Quy hoạch công sở, cơ quan hành chính nhà nước: Hạn chế tình trạng phân tán hệ thống công sở

Cập nhật 30/05/2007 14:00

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác quản lý, quy hoạch sử dụng công sở, cơ quan hành chính nhà nước cho lãnh đạo UBND, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Địa chính nhà đất các tỉnh thành phía Nam, từ Đà Nẵng trở vào. Theo đó, hệ thống công sở sẽ được lập quy hoạch chi tiết để những nơi này thực sự trở thành môi trường làm việc thuận lợi nhất cho các cơ quan công quyền.

Thiếu và cũ kỹ

Về tình hình quản lý, sử dụng công sở trong những năm vừa qua, theo ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng thì hầu hết các công sở đều được chuyển từ các dạng nhà khác sang thành công sở, có tuổi thọ cao (xây dựng từ những năm 60 - 70) nên đã cũ kỹ. Thậm trí một số xã phường ở vùng sâu, vùng xa còn sử dụng cả hệ thống nhà kho cũ kỹ để làm trụ sở.

Cục Quản lý nhà cũng đã đưa ra 4 nguyên nhân cơ bản khiến công tác quản lý, sử dụng công sở, cơ quan hành chính còn bất cập trong thời gian qua. Đó là: Hiện nay chúng ta vẫn chưa có quy hoạch hệ thống công sở một cách đồng bộ nên thiếu sự đồng nhất giữa các bộ, ban ngành và tỉnh thành với nhau; trong thời gian dài nhà nước đã giao các cơ quan tự quản lý, không có đơn vị chuyên môn phụ trách nên hệ thống công sở xuống cấp; việc tổ chức bộ máy quản lý công sở còn thiếu, yếu nên trách nhiệm chưa rõ ràng; công tác duy tu bảo trì còn dàn trải, chưa hợp lý nên chưa tập trung và hiệu quả chưa cao.

Còn báo cáo thực trạng quy hoạch công sở của Vụ quản lý Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) cũng nêu rõ: phần lớn hệ thống công sở được xây dựng phân tán, manh mún, thiếu quy hoạch, thiếu sự gắn kết. Đặc biệt các công sở cấp bộ, ngành chật chội và chưa đáp ứng được nhu cầu làm việc.

Vụ quản lý Quy hoạch kiến trúc cũng chỉ ra sự không đồng đều trong quy hoạch công sở cấp tỉnh thành. Mật độ xây dựng dao động ở mức lớn (từ 32% đến 75%), đối với các sở, ban, ngành mật độ xây dựng đang ở mức 40% đến 60%. “Với diện tích chật hẹp, mật độ xây dựng cao, diện tích cây xanh, sân vườn đang bị sử dụng làm chỗ để xe ô tô, xe gắn máy đã gây khó khăn cho việc đi lại và công tác phòng cháy chữa cháy tại hệ thống công sở này.

Khuyến khích xây dựng công sở tập trung, nhiều tầng

Theo Quyết định số 229/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “yêu cầu quy hoạch công sở, cơ quan hành chính nhà nước các cấp” thì quy hoạch hệ thống này phải đảm bảo các yêu cầu: Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu sử dụng; phù hợp với điều kiện tự nhiên của các địa phương, vùng miền; hạn chế tình trạng manh mún, phân tán… Vị trí khu đất xây dựng công sở các cấp phải phù hợp với quy hoạch xây dựng của địa phương do cấp có thẩm quyền phê duyệt, có giao thông thuận tiện, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo, thông tin liên lạc hiện đại, đồng bộ và có khả năng mở rộng trong tương lai.

Với hệ thống công sở xây dựng mới, tùy từng tỉnh thành mà quy hoạch công sở theo hướng: UBND và HĐND bố trí ở khu vực trung tâm cùng một khuôn viên đảm bảo hài hòa và tạo thành biểu tượng kiến trúc của đô thị. Khối cơ quan chuyên môn cấp tỉnh phải bố trí trong cùng một khu vực hay cùng khuôn viên để hợp thành mối liên hệ tập trung.

Đối với khối cơ quan hành chính cấp huyện, cần chú ý quy hoạch làm sao để hợp thành tổ hợp mặt bằng các công trình để tạo ra quảng trường là trung tâm đô thị cấp huyện. Với hệ thống công sở cấp xã, cơ quan hành chính phải được quy hoạch cùng với các công trình văn hóa và các không gian chức năng khác ở trung tâm xã, tạo thuận lợi cho việc bố trí hạ tầng và tạo ra cụm công trình kiến trúc khang trang để xứng đáng với bộ mặt của địa phương. Với các công sở của các phường, thị trấn phải được bố trí cùng khuôn viên, có sân, bãi đậu xe thuận tiện cho nhân dân đến giao dịch.

Vậy với hệ thống công sở hiện hữu, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), Cơ quan thường trực quản lý công sở quốc gia cho biết: với các công sở ở vị trí thuận tiện, đủ diện tích sử dụng và đảm bảo yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật thì tiến hành cải tạo, nâng cấp theo yêu cầu hiện đại hóa. Với những công sở xây dựng trước năm 1975, không đủ diện tích đất xây dựng, bố trí rải rác, có vị trí không thuận tiện, không đảm bảo các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật… thì được đầu tư xây dựng mới thành khu hành chính tập trung đúng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Sài Gòn Giải Phóng