Quy hoạch Côn Đảo đến 2020 tầm nhìn 2025:
“Địa ngục trần gian” sẽ thành thiên đường du lịch

Cập nhật 29/08/2007 14:00

Ngày 24 - 8 vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức lễ trao giải thưởng cuộc thi “Ý tưởng điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2020”. Vượt lên 8 đồ án dự thi của các đơn vị trong và ngoài nước, phương án “Hòn đảo tự do” - mang mã số MG 189337 của liên danh giữa Công ty Tư vấn thiết kế CREATIS (Pháp) và Công ty MH Golden Sands (Hoa Kỳ) đã giành giải nhất cuộc thi cùng với giải thưởng 40.000 USD.
 
Theo đánh giá của Ban giám khảo, đây là phương án không chỉ đáp ứng được yêu cầu khắt khe cho cuộc thi đề ra mà nó còn đưa ra những góc nhìn mới, táo bạo về tiềm năng và hướng phát triển của Côn Đảo trong tương lai.

Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn di tích

Tiến sĩ – KTS Phó Đức Tùng, đồng tác giả đồ án MG 189337 cho biết: Mục tiêu chính mà phương án đưa ra là xây dựng Côn Đảo thành khu kinh tế – dịch vụ và du lịch chất lượng cao song song với việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích “địa ngục trần gian” đặc biệt của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Theo đó, Côn Đảo trong tương lai sẽ trở thành đô thị hiện đại xứng với vị trí tiền tiêu, góp phần tích cực trong quá trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo an ninh quốc phòng… gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều giúp phương án MG 189337 vượt lên các đồ án dự thi khác chính là việc phân tích rất kỹ những thực trạng, tiềm năng kinh tế - xã hội của Côn Đảo để đề xuất các phương án phát triển trong tương lai.

Đồ án này cho rằng: “Côn Đảo không có tiềm năng để phát triển công nghiệp vì ở xa, ít dân, ít đất, khó xử lý chất thải… Do vậy, tại huyện đảo này chỉ nên có các nhà máy nhỏ như: nhà máy điện, nhà máy lọc nước, sản xuất nước đá, xử lý rác thải… phục vụ nhu cầu bức thiết hàng ngày trên đảo.

Ngoài ra, các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… cũng cần phát triển nhưng nên tập trung hơn vào lĩnh vực dịch vụ và du lịch. Các yếu tố: cảnh quan thiên nhiên, chất lượng bãi biển, văn hóa nghệ thuật, rừng tương đối nguyên sơ cùng với khu di tích nhà tù độc nhất vô nhị trên thế giới sẽ là động lực để thu hút du khách trong tương lai.

Trong đó, rất cần tập trung khai thác tiềm năng lớn nhất và vô giá của Côn Đảo là di tích nhà tù, nghĩa trang Hàng Dương và những liên quan đến lịch sử, biến nơi đây thành một trọng điểm du lịch về cả vật chất lẫn tinh thần.

Để tạo nên nét độc đáo trên cho Côn Đảo, đồ án đã đề xuất các giải pháp: tôn trọng chất cũ của thời gian, lịch sử; tỷ lệ xây dựng nhỏ đi với cây cổ thụ, vườn lớn tạo sự thân mật, tĩnh lặng; không gian mở theo kiểu không gian nông thôn, không được biến dạng thành nhà mặt phố, không nên có tường rào cao, chắc chắn; nên sử dụng vật liệu đá tự nhiên vào các công trình xây dựng.

Ngoài ra, một trong những nét đặc trưng của hệ thống tường rào Côn Đảo là những bức tường đá với dây thép gai lạnh lùng bao quanh các khu trại giam bên cạnh những bức tường thấp, lãng mạn bao quanh những biệt thự, công sở… tạo ra bức tranh tương phản giữa tự do và tù tội rất cần được phát huy để tạo nét đặc trưng riêng cho kiến trúc Côn Đảo. Các KTS cũng đề xuất trên đảo không nên bố trí đường ô tô, vỉa hè cứng, dựng đứng mà chỉ làm những con đường đi bộ, đi xe đạp để tạo không gian ấn tượng, gần gũi thân mật.

Sẽ làm “thừa” những gì đang “thiếu”

Nằm cách xa Vũng Tàu đến 185km và cách TP.HCM khoảng 230km, có thể nói hiện nay Côn Đảo đang thiếu đủ thứ từ điện, nước, nhiên liệu đến đất đai, nhà ở, khách sạn và cả… con người. Vậy để “địa ngục trần gian” thành “thiên đường nghỉ dưỡng” trước hết phải biến những cái thiếu đó trở nên đủ và dần dần thừa trong tương lai.

Để hạn chế tình trạng khan hiếm nước ngọt, tại chân khu vực các đường tụ thủy, các khe suối sẽ cho xây dựng hệ thống hồ tích tụ. Nước từ các hồ này được đưa lên các hồ tập trung thông qua hệ thống bơm đẩy và hồ trung chuyển. Bên cạnh đó, cần tạo ra các hồ thu nước và trữ nước trên các đỉnh bằng phẳng nhằm tạo ra một hệ thống thu và tập trung nước hoàn hảo. Việc chống bay hơi nước sẽ làm bằng cách trồng cây bên hồ để tránh nắng.

Ngoài ra, cần áp dụng xây dựng nhà máy tái xử lý nước để đảm bảo đủ nước ngọt sử dụng trên đảo. Tại hòn đảo này sẽ tận dụng điện năng lượng mặt trời chủ động và đặc biệt tại các vùng thấp sẽ bố trí xây dựng 2 trạm điện sử dụng năng lượng gió để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Sau cùng, nguồn rác thải sẽ được xử lý bằng phương pháp compote để tạo ra nguồn phân bón phong phú phục vụ cho việc tái tạo đất, trồng cây xanh trên đảo. Ngoài ra đồ án cũng đề xuất giải pháp cho việc bảo vệ và sử dụng rừng quốc gia Côn Đảo trong tương lai.

Đánh giá về phương án này, ông Võ Thành Kỳ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói: “Đây là đồ án có những ý tưởng sắc sảo, giải quyết tốt bài toán phát triển bền vững, phát triển gắn kết với bảo vệ thiên nhiên và bảo tồn di tích lịch sử… UBND tỉnh sẽ phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị nông thôn – Bộ Xây dựng để phát triển phương án này nhằm hoàn thành việc lập đồ án Quy hoạch Côn Đảo đến 2020 vào đầu năm 2009 tới.

Ý tưởng thiết kế nghĩa trang Hàng Dương

Đây là nghĩa trang hạt nhân của Côn Đảo, hơn 20.000 tù nhân đã nằm lại nơi này trong đó có những người nổi tiếng như: Võ Thị Sáu, Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong… thế nhưng đến nay nơi đây vẫn chưa trở thành một nghĩa trang xứng tầm. Đồ án đưa ra ý tưởng thiết kế để “Tạo ra một tổng thể thống nhất, đơn giản mà cô đọng” theo 3 tiêu chí: Hướng nội chứ không hướng ngoại, đi sâu vào cảm nhận nội tâm chứ không phô trương; nhấn mạnh tính vô danh, quy mô lớn và chính của nghĩa trang; chỉ trồng duy nhất một loại cây dương (phi lao) thể hiện rõ bản sắc của nghĩa trang Hàng Dương để tránh tạo ra ấn tượng đây là công viên giải trí.


Theo Việt Hùng - Sài Gòn Giải Phóng