Công tác nghiên cứu lập Quy hoạch chung Hà Nội mở rộng đang được tiến hành khẩn trương với sự tham gia của liên danh tư vấn nước ngoài.
Mặc dù được mở rộng, quỹ đất tưởng chừng lớn, nhưng để "gạn" lấy những phần đất chưa có dự án, phù hợp với việc tạo vành đai xanh để thành phố phát triển hài hòa, bền vững, lại không phải chuyện dễ.
Theo TS Đỗ Tú Lan, Phó cục trưởng Cục Phát triển Đô thị - Bộ Xây dựng, Hà Nội mở rộng có quỹ đất để phát triển, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.
Những năm qua, Hà Nội phát triển trên hệ thống cơ sở hạ tầng có cách đây mấy chục năm, bó hẹp trong phạm vi của Hà Nội cũ. Việc nâng cấp cải tạo cơ sở hạ tầng ít, mở rộng chưa bao nhiêu, trong khi lượng dân và nhu cầu phát triển kinh tế tăng gấp nhiều lần.
Việc mở rộng địa giới đã tạo ra cơ hội nghiên cứu mở rộng không gian hạ tầng cho đô thị và cho các khu chức năng đô thị. Đơn cử, hệ thống các trường đại học quốc gia, nếu không có điều kiện mở rộng địa giới như thời gian qua, sẽ vẫn được sắp xếp loanh quanh phạm vi của Hà Nội cũ.
Quỹ đất hạn chế trong khi nhu cầu của các trường đều cần có diện tích rộng. Tương tự, lâu nay Hà Nội lúng túng trong việc di dời hệ thống các khu công nghiệp ra khỏi thành phố nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đô thị.
Rồi thì nhiều bệnh viện cần cách ly, các khu công nghiệp cao, trung tâm văn hóa, trung tâm triển lãm, bảo tàng quy mô quốc gia… đều đòi hỏi quỹ đất đủ lớn. Các bộ ngành... từ trước đến nay vẫn kế thừa các công trình cũ trong nội thị nên trụ sở quá chật chội, đều có nhu cầu tìm quỹ đất mới.
Nhìn thấy cơ hội khi mở rộng địa giới nhưng theo TS Đỗ Tú Lan, tuy nhiều quỹ đất nhưng khi rà soát thì tất cả các quỹ đất có tiềm năng phát triển hoặc đã chỉ định, quy hoạch hoặc chuẩn bị được triển khai đầu tư theo các chiến lược phát triển cũ của từng địa phương.
Nhiều dự án đã đầy đủ thủ tục để triển khai nhưng những dự án này thích hợp hay chưa với quy hoạch Hà Nội mở rộng trong tương lai thì lại chưa biết. Nếu không tạo điều kiện cho các chủ đầu tư tiếp tục triển khai thì sẽ ảnh hưởng quá trình đầu tư.
Nhưng nếu cho tiếp tục thì quá trình nghiên cứu quy hoạch tới đây sẽ bất cập, gặp nhiều khó khăn. Nếu quy hoạch tới đây chấp nhận tất cả những tồn tại trên thì tư vấn lại phải lựa, chắp nối, rất khó có thể đưa ra một mô hình đầy đủ, tổng thể đẹp, bảo đảm yêu cầu cao…
Một thách thức nữa đặt ra là hệ thống hạ tầng khung trong nội thị hiện nay đang trong tình trạng chắp vá, vì nó là hệ thống cũ cải tạo nâng cấp chưa toàn diện. Hệ thống hạ tầng mới thì đang nghiên cứu theo hướng đồng bộ và cần có nhu cầu đầu tư lớn. Làm sao để kết nối giữa cái cũ chắp vá và cái mới mở rộng đồng bộ cho hợp lý.
Theo bà Tú Lan, trong quá trình quy hoạch tới đây, ai cũng mong muốn và hình dung ra một Hà Nội sẽ phát triển cân bằng, có vành đai cây xanh xung quanh, có hành lang xanh đan xen trong đô thị. Mặc dù Hà Nội mở rộng có không gian địa lý tổng hợp đầy đủ các yếu tố núi, sông, hồ, khu vực sinh thái, vùng ven đô… lợi thế để quy hoạch một thành phố phát triển cân bằng, bền vững.
Nhưng thực tế có làm được như thế không trong khi tất cả các khu vực vành đai xanh (cũ) đã và đang bị bê tông hóa. Làm sao để có thể chắt lọc được những không gian, quỹ đất để tạo ra vành đai xanh kết nối, tạo sự phát triển hài hòa (?)
"Trên thực tế khó tìm những quỹ đất như thế" - bà Lan nói. Ngoài ra, bài toán quy hoạch Hà Nội mở rộng còn có những thách thức khác như vấn đề truyền thống của mỗi đô thị, bảo tồn làng truyền thống trong quá trình đô thị hóa…
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị