Sau 1 năm thực hiện, sáng 1-4, chương trình “Nói và làm” được truyền trực tiếp trên kênh HTV9, Đài Truyền hình TPHCM do Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo chủ trì và cùng với sự giám sát của các đại biểu HĐNDTP Võ Văn Sen, Lê Nguyễn Minh Quang, Lê Hiếu Đằng, Phạm Quí Cường. Chương trình lần này các đại biểu tập trung chất vấn lãnh đạo các sở ngành liên quan đến quy hoạch và quản lý môi trường - đô thị.
“Quy hoạch chạy không kịp”
Mở đầu chương trình, các đại biểu HĐNDTP đặt ra những vấn đề bức xúc nhất hiện nay như quy hoạch hẻm, quy hoạch chi tiết 1/2000 chậm làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Nguyễn Trọng Hòa cho biết, hiện nay sở đang hoàn tất đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2025 để trình UBNDTP vào quý 3-2007.
Đến cuối năm 2007, sẽ phê duyệt xong quy hoạch chung quận huyện, đồng thời, hoàn tất quy hoạch chi tiết 1/2000 các khu vực đô thị hóa tại 24 quận, huyện. Riêng quy hoạch hẻm, sở đã trình UBNDTP chờ phê duyệt. Chưa bằng lòng với câu trả lời của ông Hòa, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang đặt câu hỏi: Sở Quy hoạch – Kiến trúc phải lý giải vì sao quy hoạch chi tiết 1/2000 chậm, làm ảnh hưởng đến đời sống và lợi ích kinh tế của cử tri, Giám đốc sở từng hứa sẽ có quy hoạch chi tiết 1/2000 các quận huyện vào tháng 12-2006, sau đó dời sang đầu năm 2007, nay lại dời đến cuối năm 2007.
Đại biểu Võ Văn Sen nhận xét tiếp: “Quy hoạch chạy không kịp với sự phát triển là do đội ngũ làm quy hoạch không tương xứng với nhiệm vụ, năng lực bất cập ở cơ sở”. Ông Hòa thừa nhận, chậm quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết là do cán bộ mỏng và thiếu năng lực, nhất là cán bộ quy hoạch cấp quận, huyện. “Hiện cơ quan tư vấn làm quy hoạch lớn nhất của TP là Viện Quy hoạch Xây dựng TP nhưng chỉ làm được đến quy hoạch 1/2000, còn đối với quy hoạch 1/500 phải nhờ các công ty tư vấn tư nhân, mà trình độ của các công ty này cũng chưa thẩm định được” - ông Hòa giải bày.
Xây dựng không phép tràn lan
Chuyển sang đề tài quản lý xây dựng và xử lý các công trình xây dựng không phép trên địa bàn TP, các đại biểu HĐND đều xoáy sâu vào vấn đề trách nhiệm trong việc để xây ra tình trạng xây dựng không phép, sai phép tràn lan hiện nay và biện pháp xử lý như thế nào. Trở lại vụ xây dựng trái phép quy mô lớn tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, xác nhận đến nay đã hơn 3 tháng vẫn chưa nhận được báo cáo xử lý các đơn vị liên quan ở địa phương, trong khi nhà xây dựng trái phép đã bị tháo dỡ.
Đại biểu Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UBMTTQ TP, cho rằng: “Chưa cần biết có tiêu cực hay không, chỉ cần không làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước là đủ để cách chức rồi chứ không cần đợi đến kết quả thanh tra để xem có tiêu cực hay không?”. Đại biểu Võ Văn Sen tiếp lời: “Ngay cả Sở Xây dựng cũng chưa thấy được trách nhiệm: chưa tham mưu được cho UBND TP và chưa đốc thúc được chính quyền địa phương”.
Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP, đặt câu hỏi: “Tại TPHCM, tỷ lệ xây dựng không phép là 20%, xây dựng trái phép là 13%. Đâu là nguyên nhân chính?”. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng thừa nhận, để xảy ra xây dựng không phép sai phép tràn lan trách nhiệm chính thuộc về quản lý ngành. Tuy nhiên, việc xảy ra xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn tràn lan mà chính quyền sở tại không biết và không xử lý là không thể chấp nhận được.
Ông Hùng liệt kê một loạt nguyên nhân khác như nhận thức của người dân, phối hợp giữa các cấp không tốt, lực lượng quản lý trật tự xây dựng thiếu cả về số lượng lẫn trình độ, mức xử phạt không đủ sức răn đe… Trong đó nguyên nhân chính là do chính quyền thiếu kiên quyết trong xử lý, kể cả trong xử lý cán bộ có liên quan.
Bà Thảo hỏi tiếp: “Có nguyên nhân do thủ tục xin cấp phép xây dựng rườm rà không?”. Ông Hùng nói: “Theo Quyết định 04, thời hạn cấp phép xây dựng chỉ có 20 ngày”. Ông Sen phản biện ngay: “Theo tôi biết, muốn xin giấy phép xây dựng trung bình phải mất 3, 4 tháng. Riêng ở Gò Vấp còn có trường hợp bản vẽ phải do người của phòng Quản lý đô thị “môi giới” thì mới trót lọt”. Ông Hùng hứa sẽ làm việc với quận Gò Vấp về những trường hợp các đại biểu nêu.
Di dời cơ sở gây ô nhiễm: chưa xong!
Trước lúc đặt đâu hỏi cho ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP, đạo diễn chương trình đã cho khán giả xem video clip về ô nhiễm và dịch ruồi tại phường Thạnh Xuân (quận 12). Trong số câu hỏi khán giả gọi điện đến chất vấn thì có đến một nửa là câu hỏi về ô nhiễm môi trường trong đó có đại biểu HĐND Đặng Văn Khoa. Ông Khoa chất vấn qua điện thoại: “Khi nào các cơ sở như Dệt may Gia Định, Vissan… mới di dời ra khỏi quận Bình Thạnh?”.
Ông Lê Hiếu Đằng tiếp lời: “Nhiều cơ sở phản ánh rằng nơi họ được chuyển đến lại chưa sẵn sàng. Ví dụ, công ty xử lý chất thải hầm cầu Hòa Bình di dời lên Khu xử lý liên hiệp chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh) nhưng đến giờ đường vào vẫn chưa xong”. Và nhiều câu hỏi đề cập đến tình trạng nước thải bệnh viện không được xử lý, ô nhiễm nguồn nước kênh rạch, xử lý phân hầm cầu…
Trả lời về ô nhiễm ở phường Thạnh Xuân, ông Chiến cho biết phải xem xét trách nhiệm giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi Gò Sao vì không xử lý được thì phải thu gom chất thải đưa đi các cơ sở xử lý. Còn 400m đường vào khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước đến nay vẫn còn chờ Sở GTCC phê duyệt thiết kế cơ sở, khi nào xong sẽ triển khai ngay.
Riêng việc di dời cơ sở gây ô nhiễm, tuy có yêu cầu các đơn vị khi đến địa điểm mới phải đổi mới công nghệ xử lý ô nhiễm nhưng chỉ có các khu công nghiệp tập trung làm tương đối tốt, còn các khu tiểu thủ công nghiệp thì không thực hiện. Hiện nay vẫn còn khoảng 10% cơ sở gây ô nhiễm chưa di dời, các cơ sở này bắt buộc chậm nhất phải di dời trong năm nay nếu không thành phố sẽ kiên quyết đóng cửa.
Theo Sài Gòn Giải Phóng