Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình tốt, sẽ có những công trình chất lượng, tiết kiệm ngân sách nhà nước và chống thất thoát vốn.(Ảnh: Internet) |
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 112/2009/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình tại các dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên.
Theo Nghị định, về nguyên tắc, quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình phải đảm bảo mục tiêu, hiệu quả của dự án. Tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình phải được dự tính theo đúng phương pháp.
Chủ đầu tư xây dựng công trình chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý chi phí từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi kết thúc xây dựng đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
Nghị định đề cập đầy đủ về nội dung quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình như quy định về đối tượng áp dụng; tổng mức đầu tư; dự toán xây dựng công trình; định mức xây dựng và giá xây dựng công trình; điều kiện năng lực của các tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí; quyền và trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu trong quản lý chi phí xây dựng công trình.
Theo đó, tổ chức, cá nhân khi thực hiện tư vấn các công việc chi phí quản lý phải có đủ điều kiện năng lực lập, thẩm tra tổng mức đầu tư; đánh giá hiệu quả dự án đầu tư xây dựng công trình; đo, bóc khối lượng công trình; lập, thẩm tra dự toán xây dựng công trình; kiểm soát chi phí xây dựng công trình.
Năng lực của các tổ chức tư vấn quản lý chi phí được thể hiện theo 2 hạng và được xác định trên cơ sở số lượng cá nhân có chứng chỉ Kỹ sư định giá xây dựng thuộc tổ chức.
Năng lực cá nhân tham gia tư vấn được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ Kỹ sư định giá xây dựng. Chứng chỉ này do Giám đốc Sở Xây dựng có quyền cấp.
Nghị định này sẽ bãi bỏ các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình tại Nghị định 99/2007/NĐ-CP, ra ngày 13/6/2007.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+