Quy định “cấm” nhập cư, bán chung cư của Đà Nẵng là trái luật

Cập nhật 01/03/2012 13:30

Cục kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp vừa có văn bản báo cáo Bộ trưởng Hà Hùng Cường về việc kiểm tra Nghị quyết 23 của HĐND Đà Nẵng, để xuất “xử” nhiều quy định trái luật như “cấm cửa” nhập cư, chuyển nhượng chung cư, kinh doanh cầm đồ…

Theo báo cáo của Cục trưởng Lê Hồng Sơn, đơn vị đã tiến hành thẩm định rất thận trọng Nghị quyết 23 này của Đà Nẵng với một cuộc họp thống nhất ý kiến của các cơ quan TƯ: UB Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ, Tổng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an.

“Phân bổ dân cư”, không được trái luật


Có rất nhiều nội dung quy định của Nghị quyết 23 thuộc diện “thổi còi”. Trước hết, đối với quy định tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án tiền sự (điểm 9, khoản 3, điều 1), Phó Chủ nhiệm UB pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến nêu căn cứ phản bác. Pháp luật hiện hành không có quy định “tạm dừng” đăng ký thường trú đối với các trường hợp công dân có đủ điều kiện theo quy định. Những điều kiện này đã quy định cụ thể trong Luật Cư trú và nghị định hướng dẫn thi hành: công dân có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú tại thành phố đó liên tục từ 1 năm trở lên (trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ mà người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản) thi đủ điều kiện để đăng ký hộ khẩu thường trú. Do đó, quy định này của Đà Nẵng “không có cơ sở pháp lý và trái pháp luật về cư trú”.

Người nhập cư là lực lượng lao động quan trọng của Đà Nẵng. (Ảnh minh họa)

Tại cuộc họp, đại diện Vụ Pháp luật thuộc Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng việc HĐND TP.Đà Nẵng đặt ra quy định nói trên là một hình thức hạn chế quyền tự do cư trú của công dân. Ông Đặng Đình Luyến và đại diện Bộ Công an nói rằng việc tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú đối với các đối tượng có tiền án, tiền sự cũng không đúng nếu các đối tượng này không thuộc diện bị cấm cư trú hoặc quản chế.

Bác lập luận “tự bào chữa” của Đà Nẵng về thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trong việc “phân bổ dân cư”, cũng như quan điểm “quy định trên đưa ra chỉ là giải pháp tạm thời trong khi chờ hướng dẫn của T.Ư về luật Cư trú”, ông Luyến cho rằng, “có nhiều biện pháp để phân bổ dân cư nhưng bất cứ biện pháp nào cũng phải tuân thủ luật Cư trú”.

Định mức xử phạt – trái thẩm quyền

Nghị quyết 23 cũng “đụng chạm” đến nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội khác như xử phạt vi phạm hành chính về giao thông; mua bán, sở hữu nhà; kinh doanh cầm đồ.

Với quy định tại điểm 6, khoản 3, điều 1 “tạm dừng đăng ký mới và tước giấy phép đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ vi phạm, các cơ quan chức năng nhận định là không có cơ sở pháp lý, không đúng thẩm quyền vì theo quy định tại pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, thẩm quyền này thuộc Chính phủ, UB Thường vụ Quốc hội.

Quy định tại điểm 9, khoản 3, điều 1 “xử phạt nặng và tạm giữ xe 60 ngày đối với học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy” trái với Nghị quyết 32 năm 2007 của Chính phủ về thời hạn tạm giữ phương tiện. Ngay Sở Tư pháp Đà Nẵng trước đó cũng đã kiến nghị xem xét lại vì quy định giam xe 60 ngày là trái luật. Giám đốc Sở Tư pháp đã có báo cáo vấn đề này với chủ tịch HĐND thành phố.

Quy định này, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kết luận vừa không đúng thẩm quyền vừa trái với quy định của Chính phủ.

Với quy định tại điểm 4, khoản 3, điều 1 chỉ đạo “từ 2012 nghiêm cấm việc chuyển nhượng chung cư cho người khác, nếu vi phạm sẽ bị cưỡng chế thu hồi”, ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp cho rằng nếu khái niệm “chung cư” được nêu trong nghị quyết số 23 là chung cư nằm trong “Chương trình có nhà ở” thuộc sở hữu của Nhà nước thì việc nghiêm cấm này là có cơ sở. Tuy nhiên, HĐND Đà Nẵng quy định như vậy cũng chưa thật sự phù hợp đối với một số trường hợp, dù đó là nhà thuộc sở hữu của Nhà nước. Hơn nữa, cách diễn đạt của nghị quyết số 23 dễ tạo ra sự hiểu nhầm là đối với tất cả các loại chung cư nói chung.

Đánh giá chung các quy định thuộc diện phải “tuýt còi” vì trái luật, sai thẩm quyền, đại diện Vụ pháp luật Văn phòng Chính phủ khẳng định, khi HĐND đưa ra nghị quyết để quy định cụ thể nội dung nào đó thì phải tuân theo các luật ban hành sau và quy định của pháp luật trong từng lĩnh vực. Trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật, nếu Đà Nẵng thấy còn những điểm chưa phù hợp thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu lực của pháp luật và kỷ luật, kỷ cương hành chính, trong khi các quy định chưa được sửa đổi thì vẫn phải nghiêm chỉnh thực hiện.

Kết luận lại, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kiến nghị HĐND Đà Nẵng kiểm tra và xử lý ngay đối với những nội dung trái luật nêu trên của Nghị quyết 23 về những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 (được ban hành ngày 24/12/2011).

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí