Qui định về kiến trúc tại TP.HCM: Sẽ bớt xin-cho

Cập nhật 16/05/2007 12:00

TT - Theo giám đốc Sở Qui hoạch - kiến trúc (QH-KT) TP Nguyễn Trọng Hòa, lâu nay khi cấp phép xây dựng, người dân phải tham khảo ý kiến của cơ quan chức năng về qui hoạch, chiều cao công trình, có khi phát sinh tiêu cực.

Vì vậy, việc qui định cụ thể về mật độ xây dựng, tầng cao... và công khai các qui định này nhằm xóa bỏ cơ chế xin - cho.

Đất hẹp: liên kết mới được xây cao

Sáng 15-5, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã nghe báo cáo, góp ý về qui định quản lý kiến trúc đối với nhà liên kế, nhà biệt thự và công trình dân dụng dọc đường phố trong khu đô thị hiện hữu tại TP.HCM. Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín cho biết qui định này sẽ được công khai cho dân biết và là cơ sở để cấp phép xây dựng.

Theo Sở QH-KT, đối với nhà liên kế mặt tiền khi xây dựng mới, cải tạo phải đảm bảo sự hài hòa, thống nhất về hình thức, các chi tiết mặt ngoài, cao độ nền, chiều cao chuẩn... trên từng tuyến phố hoặc khu đô thị. Nhà xây dựng mới trong các dãy nhà liên kế hiện hữu ngoài phù hợp qui hoạch chi tiết được duyệt còn phải phù hợp về hình thức, màu sắc dãy nhà. Qui định cũng yêu cầu: trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất thì diện tích tối thiểu của lô đất xây dựng không nhỏ hơn 36m2 và chiều ngang lô đất không dưới 3,3m.

Đa số các quận không đồng tình với đề xuất trên. Ông Nguyễn Hoàng Anh, phó chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, cho rằng qui định nhà diện tích tối thiểu 36m2 chỉ nên áp dụng ở những khu đô thị mới, còn các khu đô thị cũ thì không phù hợp vì rất nhiều khu đất có diện tích dưới mức này. Ông cũng chưa yên tâm và nói rằng Luật dân sự không hạn chế diện tích đất chuyển nhượng, nếu qui định như vậy có trái luật không? Cùng quan điểm trên, đại diện UBND quận 7 cho biết nếu áp dụng qui định này sẽ gây khó khăn cho dân. Theo cán bộ này, chỉ nên hạn chế chuyển nhượng đối với các khu đất tách thửa mới. “Những trường hợp người dân tách thửa để hợp vào các khu đất khác và có diện tích lớn hơn 36m2 thì cũng nên xem xét cho chuyển nhượng” - cán bộ này đề xuất.

Theo Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín, chỉ nên khuyến khích người dân, không nên bắt buộc. Theo qui định, diện tích nhỏ chỉ xây thấp tầng nhưng nếu các hộ dân liền kề đồng ý hợp khối với nhau thì sẽ cho xây cao hơn. Điều này không riêng người dân có lợi, cải thiện được chỗ ở mà còn góp phần chỉnh trang đô thị của khu vực. Ông yêu cầu Sở QH-KT đưa ra một số tiêu chuẩn theo hướng này để người dân thực hiện.

Nhà cao phải lùi sâu

Sở QH-KT cho biết sẽ cho phép nhà ở liên kế được nâng tầng cao lên sáu tầng so với hiện nay là năm tầng, tùy theo lộ giới đường. Nhưng kèm theo đó phải có khoảng lùi so với lộ giới, từ 3,5-5m. Trường hợp nhà liên kế có sân vườn xây dựng mới thì phải có khoảng lùi từ 2,4-4,5m. Bà Huỳnh Thị Thảo, phó chủ tịch UBND quận 5, nói cho tăng thêm tầng cao đối với nhà liên kế là tốt nhưng yêu cầu khoảng lùi khá sâu. Như vậy “chẳng khác nào buông cái này lại bắt cái kia”. Thực tế không phải nhà nào ở mặt tiền cũng muốn xây cao tầng. Theo bà Thảo, nên bỏ qui định khoảng lùi hoặc chỉ lùi ở mức độ nhất định.

Đối với nhà biệt thự, khu biệt thự trong khu đô thị hiện hữu, Sở QH-KT đề xuất nghiêm cấm việc xây chen bên hông và phía trước biệt thự. Nếu nhà phụ sát ranh đất phía sau hoặc cách ranh đất phía sau không đủ 2m thì được xây dựng cao không quá hai tầng (7,8m). Trường hợp cách ranh đất phía sau tối thiểu 2m thì được xây không quá ba tầng (10,5m). Việc phân chia đất trong khuôn viên biệt thự hiện hữu phải đảm bảo tạo thành các lô đất có kích thước tối thiểu như sau: biệt thự đơn lập là 14x18m, biệt thự song lập là 10x14m, biệt thự liên lập là 7x15m. Mật độ xây dựng nhà biệt thự tối đa là 50% và chiều cao không quá ba tầng...

Tuy nhiên, ông Hoàng Anh chưa yên tâm với qui định không cho biệt thự xây chen. Ông nói thông thường các biệt thự có khuôn viên rộng, người dân muốn xây thêm các công trình phụ, nếu không cho xây chen sẽ rất khó. Vì vậy cần cho xây chen và qui định khoảng cách nhất định từ công trình xây chen đến ranh biệt thự. Ngoài ra nên qui định cụ thể biệt thự có được chia thành nhà phố và những khu vực nào cần được giữ lại, không cho chia... Ông Nguyễn Văn Danh, phó giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng việc bổ sung qui định về kiến trúc là cần thiết. Nhưng do đặc thù của TP có nhiều khu vực khác nhau như khu vực nội thành, khu chỉnh trang, ngoại thành... nên qui định cũng nên xem xét điều kiện từng địa bàn cụ thể.

Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín yêu cầu Sở QH-KT tổ chức lấy thêm ý kiến từ các chuyên gia quản lý đô thị, qui hoạch và hoàn tất dự thảo, trình UBND tp xem xét ban hành trong tháng 7-2007.


Phó chủ tịch UBND quận 11 Nguyễn Văn Hiệp là người phản ứng “mạnh” với yêu cầu phải thống nhất về hình thức, màu sắc, cốt nền... của dãy nhà. Theo ông, ở một số khu vực như quận 6, 11 có nơi thấp nơi cao, chỗ ngập chỗ không thì không thể qui định thống nhất cốt nền được. Ngoài ra, qui hoạch cốt nền hiện nay chưa có thì căn cứ vào đâu để xác định cốt nền, người dân làm sai xử phạt ra sao? Ông Hiệp cũng băn khoăn khi hiện nay kiến trúc TP.HCM lộn xộn, theo nhiều trường phái khác nhau. Nếu yêu cầu phải đảm bảo hài hòa, phù hợp về hình thức, màu sắc căn nhà... sẽ không khả thi, dẫn đến ách tắc khi thực hiện.


PHÚC HUY
(Theo Tuổi Trẻ)