Quản lý nhà đất công sẽ trở lại đúng quỹ đạo

Cập nhật 02/08/2007 16:00

“Hàng loạt vi phạm về sử dụng nhà, đất công sẽ được xử lý dứt điểm, để đưa vào sử dụng đúng hiệu quả. Giải quyết được tình trạng này cũng có nghĩa là tiền của Nhà nước sẽ không còn chảy vào túi những người tư lợi” – lãnh đạo TP Hà Nội quyết tâm đưa hoạt động quản lý công sản là nhà đất trở lại đúng quỹ đạo.

Bắt đầu thu hồi nhà đất bỏ hoang

Theo kết quả kiểm tra, rà soát mới công bố của Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố (tại 2.248 điểm nhà, đất công do các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng trên địa bàn hai quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng; 397 địa điểm do Tổng công ty Thương mại và 8 đơn vị thành viên quản lý sử dụng), bước đầu đã phát hiện 481 địa điểm có dấu hiệu sử dụng không đúng mục đích.

Ngoài ra, có 58 địa điểm cho thuê lại hoặc giao cho cán bộ, công nhân viên kinh doanh, 35 địa điểm bố trí làm nhà ở, 7 địa điểm sử dụng kém hiệu quả, 44 địa điểm có sử dụng, nhưng chưa xuất trình được hồ sơ pháp lý về nhà đất...

Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội cho biết, trong quá trình kiểm tra, UBND TP đã quyết định thu hồi để sắp xếp lại 4 địa điểm, với diện tích 931m2.

UBND TP cũng có quyết định thu hồi 4 địa điểm nhà, đất nhỏ lẻ, sử dụng kém hiệu quả, để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, với diện tích 285m2 và chấp thuận chủ trương lập hồ sơ thu hồi 6 địa điểm nhà, đất nhỏ lẻ khác, sử dụng kém hiệu quả, với diện tích 121m2.

Phó Chủ tịch UBND TP Hoàng Mạnh Hiển cho rằng, nguyên nhân của tình trạng sử dụng đất công không đúng mục đích (cho thuê lại một phần diện tích, tự chuyển đổi mục đích sử dụng...) là do buông lỏng quản lý và những bất cập về chính sách quản lý trước đây chưa được điều chỉnh kịp thời.

Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của đơn vị sử dụng đất kém và thái độ xử lý thiếu kiên quyết của cơ quan chức năng cũng là một nguyên nhân. “Số lượng các cơ quan đơn vị sử dụng tài sản công là nhà, đất chưa đúng quy định ngày càng tăng do các điển hình vi phạm cũ chưa kịp xử lý dứt điểm thì lại phát sinh các trường hợp vi phạm mới”- ông Hoàng Mạnh Hiển nói.

Sắp xếp, xử lý theo hướng nào?

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hoàng Mạnh Hiển, UBND TP sẽ quyết định việc sắp xếp, xử lý nhà đất công đối với cơ quan, đơn vị do thành phố quản lý. Đối với các trường hợp nhà đất công bị bỏ trống hoặc cho mượn sai nguyên tắc, UBND TP sẽ quyết định thu hồi (những đơn vị thuộc thành phố quản lý) hoặc đề nghị Bộ Tài chính quyết định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi (những đơn vị thuộc Trung ương quản lý).

Trường hợp đang cho thuê toàn bộ hoặc một phần khuôn viên (không phân biệt độc lập hay không) thì cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty Nhà nước có nhà, đất đang cho thuê phải chấm dứt hợp đồng trong thời hạn tối đa 6 tháng. Sau thời hạn này mà chưa chấm dứt hợp đồng thì UBND TP sẽ quyết định thu hồi.

Đối với các trường hợp đã bố trí làm nhà ở trước ngày 27-11-1992 (ngày ban hành Quyết định 118/QĐ-TTg) và đáp ứng đủ các điều kiện như thửa đất bố trí làm nhà ở là khuôn viên độc lập hoặc có thể tách biệt khỏi khuôn viên; có lối đi riêng; không che chắn mặt tiền; không ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan xung quanh, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước không có nhu cầu sử dụng và phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt... thì Sở TN-MT&NĐ tổ chức tiếp nhận để xử lý theo quy định về nhà ở, đất ở hiện hành.

Nếu việc bố trí nhà ở không thuộc trường hợp trên thì phải thực hiện di dời các hộ gia đình, cá nhân ra khỏi khuôn viên nhà, đất. Việc bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ dân phải di dời thực hiện theo quy định hiện hành.

Đặc biệt, để nâng cao trách nhiệm của từng địa phương trong công tác sắp xếp quỹ nhà đất công, Chủ tịch UBND các quận, huyện sẽ được giao kiểm tra các địa điểm nhà, đất công do các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức kinh tế đang quản lý, sử dụng không đúng quy định trên địa bàn.

Chủ tịch UBND quận huyện có thể lập biên bản kiểm tra từng địa điểm, nếu sử dụng không đúng quy định thì lập hồ sơ, đề xuất phương án xử lý gửi về Sở TN-MT&NĐ để thẩm tra trình UBND TP hoặc đề nghị Bộ Tài chính thu hồi theo quyết định.

Theo Kinh Tế & Đô Thị