“Quản lý đất lúa cần công bằng hơn”

Cập nhật 29/12/2010 16:10


Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển - Ảnh: Từ Nguyên.
Việc sử dụng chính sách để quản lý đất lúa và phát triển kinh tế cần phải được thực hiện một cách hài hòa, công bằng cho mọi đối tượng có liên quan.

Quan điểm trên được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển đưa ra khi nói về dự thảo nghị định quản lý đất lúa do Bộ Nông nghiệp và Nông thôn xây dựng, đang được lấy ý kiến từ các bộ, ngành liên quan.

Một trong những nội dung chưa nhận được sự đồng tình của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường là còn có sự thiếu công bằng trong việc đền bù khi thu hồi đất lúa để xây dựng các dự án khu đô thị, công nghiệp hay các dự án xã hội khác nếu dự thảo được thông qua. Chính vì vậy, cần phải có sự xem xét, phân tích lại những quy định của dự thảo để đảm bảo tính khả thi khi được áp dụng vào thực tiễn.

Trao đổi với báo giới về một số điểm chưa hợp lý của dự thảo, ông Hiển nói:

- Việc chuyển đổi mục đích sản xuất của đất đai rất quan trọng, nó là điều kiện cần thiết để đáp ứng phát triển kinh tế. Tất nhiên, điều đó phải theo quy hoạch và được cơ quan quản lý cho phép.

Hiện nay Bộ đang cho rà soát lại toàn bộ đất đai đã chuyển đổi mục đích sử dụng để xem có bao nhiêu là phù hợp với quy hoạch, đúng pháp luật cũng như có bao nhiêu diện tích sai pháp luật thì sẽ đề xuất xử lý.

Nếu phù hợp với quy hoạch với 10 năm tới thì vẫn giữ nguyên, còn nếu không đảm bảo an ninh lương thực thì sẽ phải điều chỉnh, chuyển đổi lại. Cách làm là sẽ giao cho địa phương tự rà soát lại, sau đó bộ sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo xử lý.

“Vượt” là do... quản lý


* Có ý kiến cho rằng, nghị định về quản lý đất lúa đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, lấy ý kiến là một trong những giải pháp “siết” chặt quản lý đất lúa vì thực tế có khá nhiều diện tích được chuyển đổi ngoài quy hoạch?

Cũng có thể hiểu phần nào là dự thảo đó nhắm tới mục đích đó. Nhưng cách làm và các điều khoản, theo tôi là phải hợp lý, công bằng và hài hòa các lợi ích. Thực tế thì hiện nay cả đất lúa, đất rừng chúng ta chủ yếu vẫn giao cho nông dân sản xuất nên việc chuyển đổi nhiều khi vẫn mang tính tự phát.

Điều này nhiều khi do sự giám sát, quản lý của Chính quyền địa phương chưa tốt, thế nên mới cần phải chấn chỉnh lại. Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn cứ nghĩ là chuyển đổi là tốt, nhưng không nhìn rộng ra cả quốc gia. Nếu lấy đất lúa nhiều thì an ninh lương thực sẽ bị đe dọa, nếu lấy nhiều đất rừng thì môi trường sẽ bị ảnh hưởng.

* Báo cáo của Tổng cục Quản lý đất đai vừa qua cho thấy, diện tích đất chuyển tại Hà Nội đổi vượt khá nhiều, trong 10 năm đã vượt 2.100 ha, điều này không hẳn là do... tự phát?

Về vấn đề này, chúng tôi chưa có báo cáo chính thức của Hà Nội nên chưa thể bình luận được. Trước mắt Bộ chủ trương để cho các địa phương tự rà soát, tự điều chỉnh sau đó mới đến Bộ có ý kiến và đưa ra quyết định cuối cùng.

* Cũng có ý kiến cho rằng, nếu nghị định quản lý đất lúa được thông qua sẽ tạo nên sự bất công bằng và ít nhiều sẽ gây khó cho các nhà đầu tư bất động sản?

Đây thực ra mới chỉ là dự thảo. Theo tôi thì chúng ta vẫn phải tiếp tục trao đổi theo hướng vừa giữ được đất lúa, vừa phải đáp ứng được phát triển kinh tế. Nếu chỉ giữ đất lúa không mà không đáp ứng được phát triển kinh tế thì chính sách cũng không có ý nghĩa.

Chúng ta giải quyết chính sách cho nông dân nhưng trên thực tế, nhiều chính sách phát triển kinh tế chưa đáp ứng được. Do đó, việc tìm ra một giải pháp hài hòa là cần thiết. Hiện có không ít địa phương có diện tích đất lúa khá lớn thì họ vẫn cần phải phát triển được kinh tế.

* Nhưng nếu chủ trương lấy đất lúa làm dự án thì an ninh lương thực liệu có bị đe dọa bởi thống kê của Bộ cho thấy, mỗi năm đất lúa giảm trên 7.000 ha?

Chúng ta phải hiểu rằng, nếu việc giảm này vẫn theo quy hoạch thì không vấn đề gì. Nghị quyết Trung ương đề ra là phải giữ được 3,8 triệu ha đất lúa, trong khi tính đến thời điểm này chúng ta vẫn có 4,1 ha đất lúa trên toàn quốc.

Quy định về đấu giá chưa ổn


* Ông có thể nói rõ hơn những điểm mà ông cho là bất hợp lý của nghị định?

Tôi cũng đã xem kỹ dự thảo nghị định đó. Rõ ràng là có những điểm bất hợp lý. Chẳng hạn như quy định về đấu giá đất để thu 70% cho nông dân, còn 30 nộp ngân sách là không hợp lý. Hiện chúng ta vẫn đang thực hiện cơ chế đấu giá đất đối với rất nhiều diện tích đất trên cả nước và có những điều khoản đi kèm phù hợp.

Thế nhưng trong dự thảo này lại bắt buộc số tiền đấu giá đó phải đưa cho nông dân 70%. Vậy thử hỏi, nếu đối với một số dự án không đấu giá thì nhà nước xử lý kiểu gì, người dân ở đó được bao nhiêu. Nếu chờ ngân sách bỏ ra đền bù cho nông dân thì cũng rất khó.

Việc bồi thường cho người dân phải công bằng, phải theo chính sách bồi thường chung. Kinh nghiệm các nước không phải đưa ra giải pháp đấu giá cao là có thể hạn chế đầu tư vào diện tích đất nào đó. Quan trọng là khi nhà đầu tư muốn lấy đất thì phải bỏ tiền ra để địa phương đó có tiền khai hoang ở nơi khác bù vào diện tích đó, chứ không phải cứ đưa ra chính sách bất hợp lý để giữ lại.

Tôi cho rằng, chúng ta phải nên thực hiện theo hướng đó. Một trong những giải pháp đó là có thể để nhà đầu tư bóc lớp đất mặt tại khu đất lúa đó chuyển sang vùng đất xấu để nông dân tiếp tục cải tạo, sản xuất. Chúng ta không nên đơn thuần nâng giá lên bởi sau này còn liên quan đến nhiều dự án sau này.

Bộ chúng tôi cũng đã có góp ý chính thức với dự thảo này là cần phải công bằng hơn trong chính sách bồi thường, còn diện tích đất lúa cần giữ bao nhiêu là trên cơ sở quy hoạch và cần có những giải pháp để tăng diện tích bù đắp khi chuyển đổi mục đích.

Lâu nay chúng ta vẫn cứ nghĩ khu công nghiệp phải bám đường quốc lộ hay lên gần núi mà quên rằng, những dự án đó hoàn toàn có thể lựa chọn nhiều khu vực khác thay thế, ngay cả khu vực đất bãi bồi vẫn có thể cải tạo để sử dụng.

* Vậy, Bộ lý giải thế nào trước thực tế nhiều khu đất vàng vẫn bị nhà đầu tư bỏ hoang, trong khi lại tính chuyện “giữ đất lúa”?

Việc lấy đất lúa để phát triển kinh tế là cần thiết vì muốn phát triển phải có dự án, phải có khu công nghiệp... nhưng không vì thế mà làm tràn lan. Do đó, vừa rồi Thủ tướng đã có chỉ đạo chỉ được mở thêm khu công nghiệp mới khi mà khu công nghiệp cũ đã được lấp đầy trên 60%, còn không thì phải dừng lại.

Với những địa phương nào làm trái quy định thì chúng tôi chỉ đạo để cho họ tự điều chỉnh, sau đó chúng tôi sẽ can thiệp trực tiếp.

Sắp tới, với các khu đất đã được cấp phép, được quy hoạch nếu chủ đầu tư không hiệu quả hay làm trái quy định, không thực hiện cam kết thì chắc chắn chúng tôi sẽ thu hồi.

Hiện Bộ chúng tôi chỉ tập trung làm một số điểm, thành phố và một số tổ chức kinh tế lớn để có kết quả. Đối với diện tích đất bỏ hoang thì chúng tôi kiến nghị thu hồi ngay, còn diện tích đất nào liên quan dến tài sản, nhà xưởng thì phải cho họ thời gian tính toán lại, điều chỉnh lại rồi sau đó mới đến các bước tiếp theo trước khi thu hồi.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy