Theo Bộ Xây dựng, Thông tư số 10/2014/TT-BXD đặt ra nhiều quy định chặt chẽ hơn trong hoạt động xây dựng nhà ở riêng lẻ nhằm đưa hoạt động này ngày càng theo hướng chuyên nghiệp; hạn chế việc người dân xây dựng nhà tự phát khá phổ biến làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quy hoạch và chất lượng của căn nhà.
Ảnh minh họa
|
Theo một số ý kiến phản ánh qua Cổng TTĐT Chính phủ, việc Thông tư số 10/2014/TT-BXD quy định nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250m2, từ 3 tầng trở lên, chủ nhà phải thuê nhà thầu khảo sát xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện khảo sát địa chất công trình là không hợp lý và gây lãng phí, đồng thời có thể tạo ra tiêu cực, bởi thay vì làm một bộ hồ sơ địa chất thật tốn kém hàng chục triệu đồng thì doanh nghiệp, người dân có thể đối phó bằng cách mua hồ sơ giả chỉ tốn khoảng vài triệu đồng mỗi bộ.
Đối với quy định, nhà 7 tầng trở lên, chủ nhà phải gửi hồ sơ thiết kế đến cơ quan chuyên môn về xây dựng để thẩm tra cũng sẽ khiến việc xin cấp phép xây dựng tốn kém hơn rất nhiều và cũng mất nhiều thời gian hơn. Đó là chưa kể thủ tục hành chính phát sinh sẽ dễ gây ra tình trạng “hành dân”.
Về những vấn đề này, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
Theo Thông tư số 10/2014/TT-BXD, nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng bằng hoặc nhỏ hơn 250m2, từ 2 tầng trở xuống, chủ nhà tự thực hiện khảo sát xây dựng, thiết kế nếu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện công việc tương tự và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng khảo sát, thiết kế. Khuyến khích chủ nhà thuê nhà thầu khảo sát xây dựng, thiết kế có đủ điều kiện năng lực.
Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250m2, từ 3 tầng trở lên, chủ nhà phải thuê nhà thầu khảo sát xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện khảo sát địa chất công trình và việc thiết kế phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động thiết kế xây dựng thực hiện.
Trước đây, người dân thường xây nhà ở theo kinh nghiệm, thói quen. Thợ xây chủ yếu là lao động thời vụ, không qua đào tạo. Tuy nhiên, khi đó các công trình nhà ở tư nhân (nhà ở riêng lẻ) đều có quy mô nhỏ, mức độ gây mất an toàn không cao.
Những năm gần đây, do nhu cầu của người dân nâng cao, ngày càng nhiều nhà ở riêng lẻ có quy mô lớn (diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250m2, từ 3 tầng trở lên) được xây dựng. Đây là những công trình có khả năng tiềm ẩn mất an toàn nếu không được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, nhất là về chịu lực và ảnh hưởng (lún, nứt) đến công trình lân cận, liền kề.
Để tính toán thiết kế công trình (phần móng, phần thân công trình và khả năng ảnh hưởng đến công trình lân cận) thì bắt buộc phải có số liệu tin cậy về khảo sát địa chất công trình được thực hiện bởi đơn vị có đủ điều kiện năng lực. Đồng thời phải có tổ chức đủ điều kiện năng lực thực hiện khảo sát thiết kế, thi công.
Việc đưa ra các quy định nêu trên cũng nhằm hạn chế những hoạt động xây dựng theo kinh nghiệm, thói quen của người dân.
Để quản lý việc xây dựng nhà ở riêng lẻ theo quy định của Thông tư, chính quyền địa phương theo phân cấp phải tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra công việc xây dựng nhà ở riêng lẻ tại địa bàn.
Việc mua bán hồ sơ giả về số liệu khảo sát là hành vi bất hợp pháp, người mua và bán phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật.
Không phát sinh thủ tục khi thẩm tra thiết kế nhà 7 tầng trở lên
Trên cơ sở quy định về công tác thẩm tra thiết kế đối với nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên tại Điều 21 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP, Thông tư số 10/2014/TT-BXD đã hướng dẫn chi tiết các nội dung thẩm tra thiết kế và công tác kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng đối với các công trình này.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng tại các địa phương, số lượng công trình nhà ở riêng lẻ lớn hơn 7 tầng không nhiều, chủ sở hữu của loại công trình này (chủ nhà) phần lớn không có nhiều kiến thức về quản lý hoạt động xây dựng. Trong khi đó, kết cấu nhà ở từ 7 tầng trở lên có yêu cầu cao về an toàn và có nhiều tiềm ẩn gây ra mất an toàn cho các công trình lân cận, liền kề, nên việc cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng thẩm tra thiết kế đảm bảo an toàn cho bản thân người dân và cộng đồng là cần thiết.
Việc xin cấp giấy phép xây dựng là quy định bắt buộc, khi xin cấp phép xây dựng người dân phải trình thiết kế cho cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương và cũng chính cơ quan này thẩm tra thiết kế nên không phải thêm thủ tục với cơ quan khác. Hơn nữa, phí thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý Nhà nước rất nhỏ, vì vậy không thể nói là thủ tục này gây tốn kém và phát sinh tình trạng “hành dân”.
Các công trình nhà ở riêng lẻ được phân cấp quản lý cho địa phương, để Thông tư số 10/2014/TT-BXD đi vào thực tiễn và áp dụng có hiệu quả, theo Bộ Xây dựng, UBND cấp tỉnh cần quy định chỉ giao cho một đơn vị vừa cấp phép xây dựng đồng thời thực hiện thẩm tra thiết kế đối với nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên.
Đồng thời, phân cấp, phân công cho UBND cấp huyện, Ban quản lý Khu công nghiệp, Ban quản lý Khu Đô thị kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm các quy định tại Thông tư số 10/2014/TT-BXD.
Thông tư số 10/2014/TT-BXD đặt ra nhiều quy định chặt chẽ hơn trong hoạt động xây dựng nhà ở riêng lẻ nhằm đưa hoạt động này ngày càng theo hướng chuyên nghiệp. Hạn chế việc người dân xây dựng nhà tự phát khá phổ biến làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quy hoạch và chất lượng của căn nhà.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Chính phủ