“Quan” không chịu “quan”, dân mất tiền

Cập nhật 17/05/2007 08:00

TT - Vừa thực hiện ghi nhận đăng ký thế chấp giấy hồng mới trên trang bổ sung, các quận huyện lại nhận được chỉ đạo của UBND TP.HCM: ngưng ghi nhận đăng ký thế chấp theo cách trên.

Việc này khiến nhà đất có giấy hồng không thế chấp được, gây thiệt hại cho nhiều người dân.

Mất 100 triệu đồng!

Một người dân tại phường 10, quận Gò Vấp cho biết có nguy cơ mất 100 triệu đồng do không thế chấp được nhà đất. Chị nói đang mua một căn nhà và đã đặt tiền cọc 100 triệu đồng, hẹn một tuần sau trả số tiền còn lại. Không đủ tiền mua, chị phải thế chấp căn nhà trên đường Quang Trung, phường 10 để vay tiền ngân hàng.

Hợp đồng thế chấp đã qua công chứng nhưng khi đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận Gò Vấp đăng ký thế chấp thì được trả lời: ngưng! Chờ hướng dẫn của TP. Không đăng ký thế chấp ngân hàng không cho vay. Chị như ngồi trên lửa khi ngày hẹn trả tiền đang đến gần, nếu không trả đúng hẹn sẽ mất tiền cọc.

Theo Phòng Tài nguyên - môi trường (TN-MT) quận Gò Vấp, việc tạm ngưng ghi nhận thế chấp trên trang bổ sung kèm giấy hồng (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở) là thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP. Trong thời gian chờ xin ý kiến Thủ tướng và các bộ ngành liên quan về việc đăng ký thế chấp nhà, đất cấp giấy hồng, UBND TP yêu cầu các sở liên quan hướng dẫn UBND quận huyện và cơ quan đăng ký thế chấp tạm ngưng thế chấp theo hướng dẫn trước đó.

Việc tạm ngưng này xuất phát từ công văn “nhắc nhở” trước đó của Bộ Xây dựng: đề nghị UBND các tỉnh thành “tuyệt đối không qui định thêm các thủ tục trái với Luật nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành”. Cũng cần nói thêm hướng dẫn đăng ký thế chấp của TP vừa được các quận huyện thực hiện khoảng hai tuần.

Tùy thuộc ngân hàng

Không chỉ quận Gò Vấp mà các quận huyện khác đều ngưng ghi nhận thế chấp. TP chỉ đạo các sở ngành liên quan hướng dẫn ngưng thế chấp, nhưng đến nay các quận huyện nói chưa nhận được hướng dẫn này. Trưởng phòng TN-MT một quận cho hay những ngày qua quận tiếp khá nhiều người dân phản ảnh về chuyện này, do ngưng ghi nhận thế chấp nên các ngân hàng không cho vay tiền.

Theo ông Trần Quốc Tuấn - trưởng Phòng TN-MT quận Tân Bình, hiện nay quận làm theo hướng dẫn của nghị định 90: sau khi ký kết hợp đồng thế chấp, ngân hàng thông báo bằng văn bản cho quận biết việc thế chấp. Quận sẽ cập nhật thông tin trên vào sổ đăng ký để theo dõi thế chấp.

Nếu phát hiện chủ nhà đã thế chấp nhà ở nơi khác thì thông báo cho ngân hàng biết. “Tuy nhiên hơn một tuần qua quận chưa nhận được thông báo nào của các ngân hàng. Có thể do tạm ngưng ghi nhận đăng ký thế chấp nên các ngân hàng cũng không dám cho dân vay tiền” - ông Tuấn nói.

Trong khi đó Phòng TN-MT quận Tân Phú cho biết theo qui định, nhà đất thế chấp phải đăng ký, mặt khác TP chỉ yêu cầu ngưng ghi nhận thế chấp bằng trang bổ sung, không buộc phải ngưng đăng ký thế chấp nhà đất. Nếu các ngân hàng đề nghị ghi nhận thế chấp thì quận sẽ xác nhận vào đơn đăng ký thế chấp và lưu lại một bản để theo dõi.

Chờ phân xử ý “quan”

Bộ Tư pháp cho biết vừa xin ý kiến Thủ tướng xung quanh việc ghi nhận thế chấp đối với giấy hồng mới. Theo đó, do giấy hồng mới không có phần ghi nhận đăng ký thế chấp nên cơ quan chức năng sẽ ghi nhận vào sổ địa chính. Nếu Thủ tướng đồng ý, các bộ sẽ ban hành ngay thông tư hướng dẫn thực hiện.

Tuy nhiên trước khi có đề xuất của Bộ Tư pháp, UBND TP cũng kiến nghị Thủ tướng và các bộ ngành liên quan chấp thuận cho TP hướng dẫn cơ quan đăng ký thế chấp ghi nhận nội dung thế chấp, xóa thế chấp trên trang bổ sung (theo mẫu trang bổ sung của giấy đỏ, cấp theo nghị định 181) kèm theo giấy hồng mới.

Theo Bộ Tư pháp, do các bộ ngành và UBND TP đề xuất ghi nhận đăng ký thế chấp theo hai cách khác nhau nên việc thực hiện ra sao sẽ do Thủ tướng quyết.

Một vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng lại kéo dài nhiều tháng qua, với nhiều ý kiến trái ngược nhau. Và hệ lụy là người dân chịu thiệt vì có nhà đất nhưng không thế chấp được. Người dân đã quá mệt mỏi với chuyện giấy hồng, giấy đỏ, giấy trắng… nay lại ách tắc trong thế chấp nhà đất. Bao giờ người dân hết khổ?

PHÚC HUY
(Theo Tuổi Trẻ)


Đến nay, số giấy hồng mới cấp cho người dân khá lớn. Như quận Tân Phú đã cấp hàng ngàn giấy, quận Tân Bình khoảng 800 giấy, Gò Vấp gần 400 giấy..., vì vậy nhu cầu thế chấp giấy hồng ngày càng tăng. Việc đột ngột ngưng ghi nhận thế chấp bằng trang bổ sung ảnh hưởng đến nhiều hộ dân muốn thế chấp nhà đất.