Quá tải đô thị vì thực thi quy hoạch kém

Cập nhật 19/09/2019 08:00

Việc phát triển các đô thị tại Việt Nam chưa tuân thủ quy hoạch, không gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế… không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên mới đây, tại hội thảo tham vấn thúc đẩy đô thị hóa để thu hẹp khoảng cách phát triển, tổ chức tại Hà Nội, vấn đề này lại được xới lên làm nóng các diễn đàn.

Một khu nhà cao tầng tại quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thanh Hải

Quản lý lỏng lẻo

Với định vị quy hoạch trở thành “trung tâm mới” của Hà Nội khi mở rộng địa giới hành chính cách hơn 10 năm, khu vực cửa ngõ phía Tây Thủ đô bỗng chốc sôi động, trở thành “cái rốn” phát triển, gây ra những hệ lụy không nhỏ. Điển hình như hai bên tuyến đường Lê Văn Lương (đoạn đường Láng đến Ngã Tư Hoàng Minh Giám) dài hơn 1km nhưng có khoảng 40 tòa chung cư cao tầng. Hệ quả là tuyến đường huyết mạch này giờ đây hàng ngày phải oằn mình chịu cảnh tắc đường thường xuyên. Tại khu đô thị Linh Đàm, từng đặt ra phát triển mục tiêu khu đô thị kiểu mẫu nhưng nhiều người dân sống ở đây đang phải tháo chạy để tránh quá tải hạ tầng.

"Không thể phát triển đô thị một cách tự phát như lâu nay mà phải lấy quy hoạch như pháp lệnh cứng để phát triển, tránh việc để nhà đầu tư muốn làm gì thì quy hoạch phải theo như hiện nay. Chúng ta phải liên kết vùng đô thị với nhau, quá trình công nghiệp hóa không thể là ốc đảo, mà gắn với dân cư…"

Chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch


Hay như tại TP Hồ Chí Minh, năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định điều chỉnh quy hoạch vùng đô thị TP Hồ Chí Minh đến 2030, tầm nhìn đến 2050 bao gồm 8 tỉnh, TP với chuỗi 17 đô thị kết nối với nhau bởi hệ thống đường cao tốc. Trong quy hoạch đề ra giai đoạn 2010 - 2020 để ra phải hoàn thành 560km cao tốc để nối kết phát triển kinh tế và đô thị, tuy nhiên đến nay mới hoàn thành được 92km. Như vậy, có thể thấy rằng, chính sách về quy hoạch đã tương tối đầy đủ nhưng công tác quản lý quy hoạch còn lỏng lẻo, thực thi chậm đã dẫn đến nhiều hệ lụy trong quá trình phát triển đô thị.

Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, quá trình đô thị hóa chưa tuân thủ các quy hoạch nên làm mất cân đối giữa phát triển hạ tầng kết nối trong đô thị nói riêng và kết nối đô thị với vùng lân cận nói chung. Do đó, không phát huy được thế mạnh, tiềm năng của đô thị hóa để thúc đẩy phát triển. “Nếu tình trạng này tiếp tục có thể dẫn đến việc đô thị hóa trở thành gánh nặng của sự phát triển, thay vì là động lực thúc đẩy sự phát triển” - TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Không phải xây nhiều nhà cao tầng là đô thị hóa

Theo các chuyên gia, thách thức thúc đẩy phát triển kinh tế, đô thị hóa đặt ra nhiều nội dung và đậm nét hơn so với trước đây. Tuy nhiên, đến nay chúng ta vẫn xem nhẹ quá trình đô thị hóa, ít có những chương trình, định hướng cho quá trình đô thị hóa; phát triển mang tính chất tự phát, không gắn chặt với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế. Ví dụ nhiều tỉnh như Bắc Ninh, Bình Dương… mặc dù có nhiều khu công nghiệp, vùng công nghiệp nhưng không nhìn thấy đô thị tương ứng. Để đô thị hóa thực sự trở thành động lực phát triển của địa phương, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần nhìn đô thị hóa là một quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội của một khu vực một cách tổng thể, chứ không thể nhìn đô thị hóa như việc xây nhà để bán, chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất đô thị.

Đồng quan điểm, Giám đốc trường Chính sách công và quản lý ĐH Fullbright, TS Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng, đô thị hóa của Việt Nam trong suốt thời gian dài là quá trình tự phát, không có chính sách, điều phối mạch lạc và hệ thống. “Chúng ta chỉ cần tắt đi một vài ngọn đèn, bỏ đi một vài biển hiệu quảng cáo thì nhiều khu vực của Hà Nội hiện nay vẫn là hình dáng, cấu trúc giống hệt cách đây 30 năm. Trong khi đó, một số TP ở các nước xung quanh Việt Nam, trong 15 năm trở lại, diện mạo đô thị thay đổi một cách rõ rệt. Do vậy, đẩy mạnh đô thị hóa được quy hoạch cụ thể với những chính sách mới sẽ giúp phát triển kinh tế” - TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

"Việt Nam cần quy định về quy hoạch và sử dụng đất chặt chẽ hơn để tạo thuận lợi cho liên kết giữa công nghiệp hóa, nhân khẩu học và mở rộng đô thị hóa; tăng cường tính liên kết của hệ thống quy hoạch, nhất là sự phối hợp trong quy hoạch ở cấp vùng đô thị; củng cố các khu công nghiệp hiện tại và phê duyệt thận trọng các khu công nghiệp mới có xem xét đến vị trí, tiềm năng kinh tế và mức độ dịch vụ hạ tầng…"

Ông Zhiyu Jerry Chen - Chuyên gia cao cấp về đô thị của Ngân hàng Thế giới

 

DiaOcOnline.vn – Theo KTĐT