Phường 17 quận Bình Thạnh: Phát triển theo trục đường Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh

Cập nhật 16/01/2008 14:00

Theo nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/2000 vừa được UBND quận Bình Thạnh phê duyệt thì quy mô diện tích của phường 17 quận Bình Thạnh rộng 63,88 ha. Đây là khu dân cư hiện hữu cải tạo kết hợp đầu tư xây dựng mới xen cài. Dân số hiện trạng gần 24.000 người, dự kiến đến năm 2012 sẽ là 24.500 người.

Về cơ cấu sử dụng đất

Đất dân dụng chiếm 50 đến 59,1ha (trong đó đất dân cư (gồm dân cư hiện hữu cải tạo, dân cư hiện hữu cải tạo kết hợp xây dựng mới, dân cư xây dựng mới, dân cư phức hợp) 23ha - 26ha, đất công trình công cộng (CTCC) cấp khu ở 3ha-4ha, đất cây xanh 1,0ha -1,1ha, đất giao thông đối nội 17ha - 20ha…). đất ngoài dân dụng chiếm 6,8ha - 7,2ha (gồm đất giao thông đối ngoại 5ha - 5,5ha, đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật 0,18ha, đất tiểu thủ công nghiệp 0,25ha, đất sông rạch 1,3ha).

Các phân khu chức năng được chia thành: vùng I dọc các trục giao thông chính: Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường ven rạch… Vùng II phía bên trong là khu dân cư đơn thuần, khuyến khích mở đường và hẻm, kết hợp bóc lõm, chỉnh trang các khu nhà ở lụp xụp; phía bên ngoài là khu nhà ở Cù Lao Chà (diện tích khoảng 1,2ha, dân số khoảng 1.500 người) phục vụ tái định cư cho dự án rạch thoát nước Phan Văn Hân.

Về giáo dục, đến năm 2010, ngoài 3 trường mầm non giữ lại, dự kiến phát triển thêm 1 trường THCS tại vị trí Xí nghiệp Da Sài Gòn hiện tại. Sau 2010, dự kiến xây dựng 1 trường mầm non và 1 trường tiểu học trên đường Phan Văn Hân.

Về cây xanh: Hiện trạng đất cây xanh tại phường 17 rất thấp, có thể khai thác và tính toán quỹ đất cây xanh từ các dự án xây dựng nhà cao tầng, đồng thời tận dụng hành lang bờ rạch Thị Nghè, dọc theo hành lang cách ly tuyến điện 110KV, các khu đất trống, tiểu đảo giao thông và trên vỉa hè các trục đường chính, các tuyến hẻm để bố trí trồng cây xanh.

Về quy hoạch hệ thống giao thông, mở rộng theo đúng lộ giới các tuyến đường trục chính hiện hữu như: Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phan Văn Hân, Nguyễn Cửu Vân. Các tuyến đường giao thông dài hạn (dự phóng) quan trọng phải được xác định và cập nhật trên bản đồ quy hoạch ngắn hạn để giữ đất, như: đường Ngô Tất Tố (nối dài), lộ giới 25m, nối từ Xô Viết Nghệ Tĩnh vượt qua đường Điện Biên Phủ nối vào đường Phan Xích Long nối dài ở phường 15; đường nối từ hẻm 158 Xô Viết Nghệ Tĩnh phường 21 sang hẻm 236 Điện Biên Phủ phường 17. Hành lang tuyến cống hộp thoát nước Phan Văn Hân rộng 16m (bên trên làm đường hoặc bố trí dãy cây xanh).

Trong giai đoạn đầu, sẽ giữ nguyên hệ thống hẻm hiện hữu trong các khu dân cư. Lộ giới hẻm căn cứ Quyết định số 88/2007/QĐ-UBND ngày 4-7-2007 của UBND TPHCM quy định về lộ giới hẻm trong các khu dân cư hiện hữu.

Chiều cao xây dựng: tối đa 30 tầng

Các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc được đưa ra: mật độ xây dựng (khu ở 35% - 60%, khu CTCC 25% - 40%, công viên 5% - 10%). Hệ số sử dụng đất toàn khu 0,5lần - 4 lần, tầng cao xây dựng từ 2 tầng đến 30 tầng. Chỉ tiêu sử dụng đất dân dụng 20,4m2 - 24m²/người, trong đó đất ở 9,4m2 - 10,6m²/người, đất CTCC khu ở 1,2m2 - 1,6 m²/người, đất cây xanh 0,4m2 - 0,5m²/người, đất giao thông đối nội 6,9m2-8,2m²/người. Về tổ chức không gian kiến trúc: Chọn các khu vực đô thị dọc theo các trục chính như: Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh là khu vực chú trọng khai thác cảnh quan đô thị.

Trên các tuyến đường này, tập trung các công trình trung tâm thương mại - dịch vụ và cao ốc văn phòng khang trang và hoàn chỉnh, tạo nên động lực phát triển và sự sầm uất cho khu vực. Về thiết kế đô thị sẽ phân vùng về kiến trúc cảnh quan theo từng khu vực. Giai đoạn đầu tập trung nghiên cứu các tuyến đường chính như Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh. Sẽ quy định về chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng đối với các tuyến đường.

Theo Sài Gòn Giải Phóng