Phát triển đô thị bền vững: Phải từ gốc quy hoạch

Cập nhật 19/05/2010 13:40


Nếu không sớm có các giải pháp quy hoạch, trong tương lai tình trạng ùn tắc giao thông có thể còn nghiêm trọng hơn. Ảnh: Trần Phan
Trong khuôn khổ "Hội thảo khoa học phát triển đô thị bền vững" (do UBND TPHCM, Hà Nội và Thừa Thiên - Huế tổ chức trong 2 ngày 17 và 18.5.2010 tại TPHCM) các chuyên gia, nhóm chuyên gia đã đưa ra rất nhiều cảnh báo về những tác hại của phát triển đô thị thiếu tổ chức cũng như những giải pháp khắc phục. Theo đó, muốn đô thị phát triển bền vững phải xuất phát từ gốc, đó là công tác quy hoạch phải bài bản và dự báo được khả năng phát triển.

Dồn nén vào trung tâm

Các chuyên gia quy hoạch của Nhật Bản dự báo, với đà tăng trưởng kinh tế như hiện nay, việc di dân sẽ khiến cho bộ mặt đô thị của TPHCM sẽ thay đổi hết sức nhanh chóng trong thời gian tới. Có thể thấy trước trong tương lai không xa, chỉ 5 – 10 năm khi kinh tế phát triển, tỉ lệ người dân sử dụng phương tiện ôtô tăng lên... nếu không có các giải pháp ngay từ bây giờ thì việc giải bài toán giao thông ngày sẽ càng khó hơn.

Bức tranh giao thông của các thành phố lớn ở VN đang rất bức xúc. Riêng đối với TPHCM hiện nay hiện trạng giao thông rất đáng lo ngại, 90% số người dân sử dụng phương tiện cá nhân để đi làm, đưa con đi học, đi mua sắm...

Một khi giao thông công cộng không thể hiện được vai trò của mình, người dân buộc phải lựa chọn giải pháp tự trang bị phương tiện giao thông cá nhân. Với cái đà này, sẽ không tránh khỏi tình trạng rơi vào vòng luẩn quẩn.

Nguy hại không chỉ ở việc giao thông ùn tắc, thiệt hại về kinh tế mà mục tiêu lớn hơn là dãn dân ra ngoại thành, giảm áp lực cho hệ thống hạ tầng cơ sở ở khu trung tâm cũng khó thực hiện. Mô hình đô thị của TPHCM hiện nay là đô thị nén, mọi thứ dồn vào khu trung tâm nhưng bên ngoài thì không có gì.

Cũng theo các chuyên gia quy hoạch người Nhật Bản, ở TPHCM trong khi các trung tâm dịch vụ cao cấp, cơ quan hành chính đều tập trung ở quận 1 và 3, khu vực bên ngoài các quận trung tâm thì trống vắng. Người dân muốn cư ngụ ở trong các khu vực gần khu trung tâm để được hưởng các dịch vụ xã hội tốt nhất nhưng vẫn trong tầm di chuyển bằng phương tiện cá nhân một cách thuận tiện. Vì vậy, mục tiêu phát triển mạnh ở khu vực ngoại thành là rất khó. Nếu hệ thống giao thông công cộng tốt hơn, sẽ khuyến khích được người dân sinh sống ở những khu vực nhà nước khuyến khích.

Không cần so sánh với các đô thị phát triển, chỉ cần so sánh với các đô thị của các nước trong khu vực Đông Nam Á, chẳng hạn, Manila hay Bangkok, khoảng cách từ các khu dân cư tập trung đến khu trung tâm thành phố thường gấp 2 -3 lần so với TPHCM. Tuy nhiên, do hệ thống phương tiện giao thông công cộng phát triển, việc thụ hưởng các dịch vụ cao cấp (tập trung ở khu trung tâm) của người dân vẫn được đảm bảo.

Phải làm từ gốc

Câu chuyện phát triển đô thị như thế nào để có thể phát triển bền vững là một vấn đề lớn, vì vậy cần phải có một chiến lược kiên định lâu dài và phải bắt đầu từ gốc là công tác quy hoạch. Các chuyên gia quy hoạch Nhật Bản khuyến cáo, việc quy hoạch phát triển các ngành kinh tế trong một siêu đô thị như TPHCM phải được cân nhắc tính toán ngay từ bước quy hoạch. Chẳng hạn, đối với các ngành công nghiệp phải đặt ở đâu, công nhân, chuyên gia đi lại như thế nào, bằng phương tiện gì, sinh sống ở đâu...?

Với TPHCM, chẳng còn con đường nào khác phải phát triển theo hướng đa tâm hoặc là chuỗi đô thị. Hiện trạng TPHCM hiện nay là đô thị nén, đơn tâm, đây là mô hình không còn phù hợp, thậm chí là cản trở sự phát triển lâu dài.

Các chuyên gia quy hoạch người Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quy hoạch vùng nhằm tránh tình trạng các tỉnh thành trong vùng mạnh ai nấy làm, hậu quả là chồng chéo, khập khiễng. Quy hoạch vùng cũng sẽ phát huy được thế mạnh của từng địa phương trong vùng. Cũng giống các chuyên gia Nhật Bản, các chuyên gia quy hoạch Trung Quốc khuyến cáo đối với các đô thị lớn cần phải xây dựng hệ thống giao thông tiết kiệm, lấy giao thông công cộng là chính. Về sử dụng đất, nên phát triển chiều cao để dành đất cho các công trình công cộng và dự trữ cho phát triển đô thị sau này.

Các chuyên gia quy hoạch người Đức đặc biệt quan tâm đến việc tác động của biến đổi khí hậu tác động đến TPHCM. Nhóm chuyên gia Đức đề xuất 2 hướng tiếp cận để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Trong đó hướng tiếp cận từ trên xuống và từ dưới lên. Với hướng tiếp cận từ trên xuống, để ứng phó với biến đổi khí hậu phải xây dựng đô thị như thế nào, kiểu nhà ở ra sao... Những vấn đề này phải được luật hóa và tính toán áp dụng ngay từ bây giờ chứ không đợi đến khi thành phố bị ngập.

Một hướng tiếp cận thứ hai từ dưới lên, đó là phải có một chương trình phổ biến kiến thức cho người dân, nhân viên công quyền... về những tác hại của biến đổi khí hậu, phải ứng xử ra sao để thích nghi với vấn đề này. Với TPHCM, biến đổi khí hậu sẽ có những tác động hết sức khủng khiếp, ngay từ bây giờ phải xác định tư tưởng sống chung với lũ. Để từ đó chúng ta mới có những biện pháp thích ứng.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động