Phân hạng sàn giao dịch bất động sản: Lại đẻ thêm thủ tục?

Cập nhật 01/10/2010 08:40

Quản lý sàn giao dịch bất động sản là điều cần thiết để góp phần làm minh bạch thị trường. Tuy nhiên, Dự thảo Thông tư hướng dẫn phân hạng sàn giao dịch bất động sản của Bộ Xây dựng mới đây gặp nhiều ý kiến trái chiều từ các doanh nghiệp (DN).


Khách hàng và thị trường là người đánh giá, quyết định đẳng cấp thứ hạng của các sàn giao dịch bất động sản chứ không phải cơ quan quản lý.

Theo dự thảo, các sàn giao dịch bất động sản sẽ được phân thành các hạng 1, 2, 3. Và chỉ các sàn đã hoạt động một năm liên tục trở lên mới được xét phân hạng.

Khó đạt chuẩn


Theo số liệu của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, hiện toàn thành phố có khoảng 150 sàn giao dịch bất động sản, chiếm 50% tổng số sàn giao dịch bất động sản trên toàn quốc. Song chỉ với căn cứ về diện tích tối thiểu để phân hạng như quy định của dự thảo thông tư này thì hầu hết các sàn đều không đạt chuẩn.

Theo quy định của dự thảo tất cả các sàn giao dịch bất động sản, định kỳ 6 tháng một lần sẽ phải báo cáo tình hình hoạt động về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản và Sở Xây dựng tại địa phương. Riêng các sàn giao dịch bất động sản đã được phân hạng sẽ phải báo cáo tình hình hoạt động với tần suất nhiều hơn, 3 tháng một lần.
Từ thực tế hoạt động, nhiều chuyên gia cho rằng, chính khách hàng và thị trường là người đánh giá, quyết định đẳng cấp thứ hạng của các sàn giao dịch bất động sản. Việc tìm ra những giải pháp làm minh bạch và phát triển thị trường là điều cần thiết. Song những quy định về phân hạng sàn giao dịch bất động sản như dự thảo thông tư chỉ mang tính hình thức sẽ khó đem lại hiệu quả quản lý.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dịch vụ bất động sản Thế Kỷ Phạm Thanh Hưng cho rằng, việc xây dựng và xác định các tiêu chí này là rất khó khăn. Điều quan trọng là, việc xét duyệt có bảo đảm tính chính xác và khách quan hay không ? Vì sàn giao dịch bất động sản là dịch vụ chứ không phải là sản phẩm hàng hóa hữu hình. Rất khó để phân loại uy tín của các sàn giao dịch. Hơn nữa, trong quá trình xét duyệt để phân hạng sàn giao dịch thì cơ quan nào chịu trách nhiệm thẩm định uy tín, chất lượng của các sàn giao dịch và thẩm định như thế nào ?

Chưa thiết thực

Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Đỗ Thị Loan đặt vấn đề: khi đề ra việc phân hạng sàn giao dịch bất động sản, Bộ Xây dựng đã xét đến mục đích cụ thể hay chưa ? Chẳng hạn như, chủ sàn địa ốc, khách hàng mua sản phẩm nhà đất và cơ quan quản lý nhà nước được lợi gì trong việc phân hạng sàn giao dịch bất động sản ? Còn theo đại diện Công ty cổ phần Thương mại & Xây Dựng Nam Long, ở nước ta hiện nay chưa có quy chuẩn chính thức để phân loại các sàn giao dịch bất động sản. Trong khi đó, các sàn giao dịch bất động sản cũng mới chủ yếu là môi giới nên việc phân hạng sàn giao dịch bất động sản thực chất không nhiều ý nghĩa. Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, việc phân chia các sàn giao dịch theo thứ hạng 1, 2, 3 là không cần thiết. Ngoài ra, quy định các sàn giao dịch được phân hạng phải báo cáo mỗi quý, trong khi sàn không phân hạng thì mỗi năm chỉ báo cáo hai lần là chưa ổn.

Ông Nguyễn Chí Hiếu - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng dầu khí Phú Đạt cũng cho rằng: Bản chất của giao dịch là người mua và người bán có thể tìm đến với nhau bằng cách này hay cách khác. Để góp phần minh bạch thị trường thì các cơ quan quản lý cần siết chặt những giao dịch ngoài sàn chứ không phải là đi phân loại các sàn. Tuy nhiên, dự thảo thông tư lại không đề cập đến quyền lợi, trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia phân hạng sàn giao dịch bất động sản. Việc tham gia phân hạng sàn giao dịch bất động sản là tự nguyện. Nếu doanh nghiệp thích thì đăng ký phân hạng, không thích thì đứng ngoài cuộc cũng không sao. Quy định như vậy thì rõ ràng việc phân hạng các sàn giao dịch chỉ mang tính hình thức. Quy định không cho phép các sàn giao dịch kinh doanh nhưng không ít sàn vẫn trở thành nhà đầu tư vừa mua sản phẩm, vừa bán chính những sản phẩm này ra thị trường. Thêm vào đó, quy định không cấm các doanh nghiệp, cá nhân thành lập sàn giao dịch bất động sản. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp, đơn vị tư vấn tự thành lập sàn để tiêu thụ các sản phẩm của mình theo một quy trình từ sản xuất đến bán hàng.

Thành phố Hồ Chi Minh hiện có 150 sàn giao dịch bất động sản, chiếm hơn 50% số sàn cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ giao dịch qua sàn hiện ở mức 25% tổng lượng giao dịch.
Đồng thời, các sàn giao dịch hiện nay đa phần chỉ đủ năng lực tiếp nhận thông tin chứ chưa xác minh hay chứng thực được những thông tin này. Hay như khi một giao dịch qua sàn được thông qua, sẽ có những chi phí phát sinh như thù lao, chi phí dịch vụ và quan trọng hơn cả đó là tính trách nhiệm của các doanh nghiệp thông qua sàn, bảo đảm thông tin chính xác và bảo mật thông tin. Chính những nguyên nhân trên khiến người dân khó tin vào tính minh bạch của các sàn giao dịch bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất dộng sản TP HCM chia sẻ: Mục tiêu xậy dựng sàn giao dịch là để người có nhu cầu có thể mua bất động sản trực tiếp từ chủ đầu tư. Các sản phẩm khi đưa ra thị trường phải là những bất động sản có đủ điều kiện giao dịch. Nguyên tắc của các sàn giao dịch uy tín là công khai và minh bạch thông tin. Bất động sản cũng là hàng hóa, và người mua có quyền được hướng dẫn, tư vấn kỹ lưỡng trước khi mua. Sàn giao dịch nào mang đến nhiều thông tin chất lượng cho người mua, sàn đó sẽ có uy tín và thương hiệu, không cần phải phân hạng.

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp