Phải thực hiện nghiêm quy định về quy hoạch, thu hồi đất

Cập nhật 12/05/2009 08:50

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM, đã có nhiều chia sẻ với báo giới về những bức xúc quy hoạch treo hiện nay.

Dân ủng hộ chủ trương nhưng bức xúc về cách làm

* Thưa ông, quan điểm của ông xung quanh việc lập quy hoạch, thực hiện quy hoạch, xây dựng đô thị tại TPHCM như thế nào?

Tôi cho đây là công việc rất cần thiết trong quá trình phát triển đô thị. Cá nhân tôi và rất nhiều người dân hoàn toàn ủng hộ quá trình này của thành phố. Tuy nhiên, riêng về cách làm vẫn còn nhiều điều phải bàn. Thực ra, công tác triển khai quy hoạch như thế nào đã được luật quy định khá rõ nhưng trong rất nhiều trường hợp, các đơn vị có liên quan vẫn cố tình không chấp hành các quy định của pháp luật, nên mới có nhiều chuyện phải tranh luận.

Tôi lấy ví dụ, Luật Đất đai và nhiều nghị định khác có liên quan đã quy định rất rõ, nếu dự án thực hiện quy hoạch mà trong 3 năm không thể triển khai thì buộc phải thu hồi. Thế nhưng, trên thực tế, đã có rất nhiều dự án được thực hiện không theo quy định ấy. Dự án xây dựng khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa là một điển hình. Dự án đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2004. Từ đó đến nay chủ đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn hầu như không hề triển khai thực hiện dự án, thế mà dự án vẫn không bị thu hồi, làm khổ cho dân. Đây chính là những điều làm cho người dân bức xúc chứ không phải chuyện lập quy hoạch xây dựng Bình Quới-Thanh Đa thành một đô thị hiện đại.

Tôi còn nhớ, khi thảo luận xây dựng Luật Đất đai, rất nhiều đại biểu trong Ủy ban MTTQ TPHCM đã cân nhắc rất kỹ mốc thời gian 3 năm này. Mọi người đã tranh luận, khoảng thời gian này liệu có quá lâu so với sức chịu đựng của người dân? Và 3 năm có đủ thời gian cho nhà đầu tư triển khai dự án? Rõ ràng, khi làm luật, Nhà nước đã cân nhắc đến lợi ích của tất cả các bên. Như thế, quy định này không chỉ là luật để mọi đối tượng phải chấp hành nghiêm mà còn là vấn đề xã hội, là sự quan tâm của Nhà nước đến cuộc sống người dân.

* Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng thời gian 3 năm để triển khai dự án vẫn là chưa đủ đối với họ. Thủ tục hành chính trong đầu tư rườm rà; thủ tục huy động vốn cũng không đơn giản, nhất là đối với những dự án cần kinh phí lớn như Bình Quới - Thanh Đa… là những nguyên nhân thường được nhà đầu tư đưa ra để giải thích cho sự chậm trễ của mình?

Ngành chức năng phải lắng nghe tất cả những bức xúc này để giúp nhà đầu tư giải quyết khó khăn. Tuy nhiên, điều này không thể coi là nguyên nhân hợp pháp để kéo dài thời gian triển khai dự án, làm dân khổ. Nếu nhà đầu tư không đủ năng lực để vượt qua những cản ngại như họ kêu ca, thì năng lực thực hiện dự án của họ cũng không hay lắm. Với những nhà đầu tư như thế thì dự án chắc chắn cũng không thể triển khai tốt. Vậy thì tại sao không chọn nhà đầu tư khác có năng lực hơn để chúng ta có được những đô thị như mong muốn? Tôi chỉ sợ xảy ra tình huống, chúng ta giao nhầm dự án cho những người đầu cơ. Những người này hoàn toàn không có khả năng thực hiện dự án nhưng cứ tìm mọi cách kiềm giữ dự án, đợi khi có thời cơ thì bán đi kiếm lời. Thành phố nên rà soát lại tất cả các dự án bị ngâm quá lâu mà chưa thấy thực hiện. Nếu thấy có hiện tượng đầu cơ dự án thì phải xử lý ngay.

Người dân thực hiện quy hoạch, tại sao không?

* Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, có đến hơn 50% doanh nghiệp trong hiệp hội là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với tiềm lực như thế, làm sao thành phố huy động được những nhà đầu tư mạnh về tài chính, nhanh chóng triển khai những đô thị hiện đại như mong muốn?

Ngoài các nhà đầu tư trong nước, chúng ta có thể mời thêm các nhà đầu tư nước ngoài… Thế nhưng, cũng không phải quy hoạch nào, dự án nào cũng cần mời nhà đầu tư vào. Nhà nước có thể công khai quy hoạch cho dân, lập các quy định về xây dựng, kiến trúc và tạo điều kiện cho người dân tại chính nơi đó cải tạo, xây dựng lại đô thị của họ. Ủy ban MTTQ TPHCM đã có một kinh nghiệm về việc này ở khu nhà vườn An Hội, An Phú Đông, quận 12. Chúng tôi đã có ý kiến và được chính quyền địa phương đồng ý cho người dân tại đây cải tạo, xây dựng lại nhà cửa của mình theo quy hoạch được duyệt… thay vì phải di dời đi nơi khác để người dân khác về thực hiện quy hoạch trên mảnh đất của mình.

Người dân An Hội rất phấn khởi. Theo tôi, đây vẫn là phương án hay nhất trong việc phát triển đô thị. Tất nhiên, với những khu dân cư cao tầng, đòi hỏi kỹ thuật cũng như kinh phí xây dựng cao thì phải có các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có năng lực. Tuy nhiên, với những khu dân cư được quy hoạch là nhà vườn, nhà liên kế… thì chính quyền có thể tạo điều kiện cho người dân tại chỗ thực hiện quy hoạch.

* Cho người dân thực hiện quy hoạch, liệu quy hoạch có bị… nát vụn?

Vấn đề ở chỗ công tác quản lý việc thực hiện quy hoạch. Nhà nước cứ quy định thật cụ thể, minh bạch, công khai quy hoạch, cũng như các quy định về kiến trúc và kiểm soát chặt chẽ, công tâm trong quá trình thực hiện quy hoạch là được. Cho người dân tham gia thực hiện quy hoạch, xây dựng lại chính đô thị của họ, theo tôi, đấy chính là cách phát triển đô thị bền vững nhất vì nó tổng hợp được sức mạnh của toàn dân và quan trọng hơn nữa là giúp an dân.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng