Trường hợp nhập hộ khẩu vào chỗ ở do thuê, mượn hoặc ở nhờ tại TP.HCM và Hà Nội thì phải bảo đảm diện tích tối thiểu là 5 m2 sàn/người.
Ngày 10-7 sắp tới, Nghị định 56 (ngày 24-5) của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Cư trú sẽ có hiệu lực thi hành. Theo đó, người muốn đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc trung ương buộc phải có thêm một số điều kiện mới. Báo Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với Thượng tá Nguyễn Văn Dung, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP.HCM, để làm rõ các nội dung liên quan.
Cấm nhập hộ khẩu để trục lợi
* Có phải tới đây thủ tục đăng ký thường trú tại TP.HCM sẽ khó khăn hơn trước?
|
Thời gian qua, công an các tỉnh, thành thực hiện việc đăng ký, quản lý thường trú theo những quy định của Nghị định 107 ngày 25-6-2007 của Chính phủ. Tuy nhiên, nghị định này có nhiều điểm quá dễ dàng khiến một số đối tượng đã lợi dụng để trục lợi, gây khó khăn cho việc quản lý nhân khẩu của các địa phương. Chính vì lý do này mà Nghị định 56 được ban hành để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107 nhằm làm cho công tác quản lý hộ khẩu được chặt chẽ hơn.
Đáng lưu ý, hành vi cho người khác nhập vào sổ hộ khẩu, chỗ ở của mình để trục lợi, hoặc cho nhập hộ khẩu vào cùng một chỗ ở nhưng không bảo đảm diện tích sàn tối thiểu trên đầu người theo quy định đều bị nghiêm cấm (điểm e khoản 2 Điều 3). Trường hợp chỗ ở do thuê, mượn hoặc ở nhờ tại Hà Nội và TP.HCM thì phải bảo đảm diện tích tối thiểu là 5 m2 sàn/người, tránh tình trạng nhà quá nhỏ vẫn bảo lãnh nhập hộ khẩu cho rất nhiều người như trước đây (khoản 1 Điều 4).
* Theo nghị định cũ thì có năm trường hợp nhà ở không được chuyển hộ khẩu đến. Nghị định mới quy định sao về việc này?
Nghị định mới vẫn quy định có năm trường hợp nhưng ở trường hợp thứ ba có ít thay đổi. Cụ thể, các cơ quan chức năng không đăng ký thường trú khi công dân chuyển đến chỗ ở mới thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn chiếm mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng;
2. Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn chiếm trái phép;
3. Chỗ ở đã có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (theo quy định cũ thì là chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) và chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp những người có quan hệ là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con chuyển đến ở với nhau);
4. Chỗ ở bị kê biên, tịch thu để thi hành án, trưng mua theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
5. Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo chúng tôi hiểu, việc quy định chỗ ở đã có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không được nhập hộ khẩu nhằm tạo điều kiện cho người dân cư trú ổn định hơn. Đối với những chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất nhưng chính quyền chưa thực hiện dự án (có thể chỉnh sửa hoặc bỏ dự án) thì người dân vẫn được xem xét cho nhập hộ khẩu.
Một người dân đang làm thủ tục đăng ký thường trú tại Công an quận 11, TP.HCM. Ảnh: Thái Hiếu |
Đăng ký thường trú tại nơi đang tạm trú
* Để chứng minh chỗ ở hợp pháp, người dân phải nộp những giấy tờ gì?
Đó là những giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của công dân. Gồm có: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ; giấy tờ về quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó); giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp phải cấp giấy phép); hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán; giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp xã v.v…
Ngoài ra còn có giấy tờ chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp. Đối với nhà ở tại TP.HCM và Hà Nội, trong hợp đồng phải ghi rõ diện tích cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ.
* Đồng thời với việc có chỗ ở hợp pháp, người đang tạm trú tại TP.HCM phải có thêm điều kiện gì mới được đăng ký hộ khẩu tại TP.HCM?
Công dân đang tạm trú tại TP.HCM nếu có chỗ ở hợp pháp và tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ một năm trở lên sẽ được đăng ký hộ khẩu tại TP.HCM. Đây là khác biệt đáng lưu ý giữa nghị định cũ với nghị định mới. Theo Nghị định 107, chỉ cần tạm trú liên tục từ một năm trở lên tại TP (không phân biệt tạm trú liên tục tại một chỗ ở hay tạm trú liên tục tại nhiều chỗ ở khác nhau tại TP). Nhưng theo Nghị định 56 thì phải tạm trú liên tục tại chỗ ở hợp pháp từ một năm trở lên. Nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. Thời hạn tạm trú được tính từ ngày công dân đăng ký tạm trú đến ngày công dân nộp hồ sơ đăng ký thường trú.
Như vậy sẽ không còn việc tạm trú tại nơi này vài tháng, nơi nọ vài tháng rồi cộng dồn lại đủ năm để đi đăng ký thường trú như trước đây.
Xin cảm ơn ông.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP