Phải làm sao để đòi lại đất, đất được phân chia như thế nào?

Cập nhật 13/06/2007 09:00

Hỏi: Gia tộc chúng tôi có một thửa đất trên có một nhà thờ gia tộc từ xưa đến nay. Nay có một người trong gia tộc đã tự ý kê khai và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ. Xin hỏi những người trong gia tộc phải làm sao để huỷ bỏ được quyền sử dụng đất của người này? Các dạng đất như đất do cá nhân sử dụng, đất hương hỏa,... được luật pháp quy định phân biệt ra sao? (Trần Diếu, 328 Phan Chu Trinh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)

Xin trả lời thư ông như sau:

1. Muốn đòi lại đất mà trên đất có ngôi nhà thờ và người chiếm dụng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phải tiến hành theo thủ tục sau đây:

Những người trong gia tộc cử người đại diện làm đơn khởi kiện đòi lại đất nộp cho UBND xã, phường, thị trấn nơi có diện tích đất tọa lạc, yêu cầu hòa giải để người chiếm đất trả lại đất.

Nếu việc hòa giải không thành thì yêu cầu UBND chuyển hồ sơ lên Tòa án nhân dân cấp huyện để nơi đây giải quyết theo pháp luật. (Theo quy định của các điều 135, điều 136 Luật đất đai 2003 và theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự)

2. Căn cứ vào mục đích sử dụng đất đai, điều 13 Luật đất đai 2003 phân loại thành ba nhóm đất như sau:

+ Nhóm đất nông nghiệp;

+ Nhóm đất phi nông nghiệp;

+ Nhóm đất chưa sử dụng.

Như vậy, đất hương hoả hay đất do cá nhân sử dụng cũng chỉ được phân loại vào nhóm đất nông nghiệp hay nhóm đất phi nông nghiệp.

Đất hương hoả là loại đất dùng vào việc thờ cúng. Loại đất này không được chuyển nhượng, tặng cho và được giao cho một người quản lý để thực hiện việc thờ cúng. Nếu người được cử quản lý đất hương hoả không thực hiện đúng theo nghĩa vụ được giao thì những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền giao diện tích đất ấy cho người khác quản lý để thờ cúng.

Theo LG Hoàng Trung Tiếu - Thanh Niên