Phải làm rõ chức năng sử dụng, vị trí khi xây cao ốc

Cập nhật 20/07/2010 16:40


Mô hình nhà cao tầng và văn phòng cho thuê Thành Công 2. Ảnh minh họa: Hoàng Lâm
Thông tin về việc thành phố Hà Nội đề xuất Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai xây dựng 223 nhà cao tầng ở các quận trung tâm đang được dư luận quan tâm. Nhiều ý kiến quan ngại việc tiếp tục xây dựng hàng trăm cao ốc trong tương lai khi các vấn nạn của Thủ đô như tắc đường, quá tải hạ tầng, lộn xộn về không gian kiến trúc... chưa được giải quyết sẽ càng làm cho Hà Nội “quá tải.”

Giáo sư - tiến sĩ khoa học Nguyễn Thế Bá - nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, một trong những chuyên gia hàng đầu về kiến trúc đô thị Việt Nam đã trao đổi về vấn đề trên.

* Quan điểm của ông trước việc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa đề nghị Chính phủ cho phép triển khai hơn 223 cao ốc ở các quận trung tâm thành phố?


Ông Nguyễn Thế Bá: Việc nâng tầng (xây nhà cao tầng) theo quan điểm của tôi là cần thiết, do đất chật nên chúng ta không còn cách nào là phải vươn lên cao. Cạnh đó, việc nâng tầng sẽ giúp người sử dụng thay đổi môi trường, điều kiện sống, làm cho cảnh quan kiến trúc đô thị khang trang, hiện đại hơn. Nhưng do các quận trung tâm đã quá tải về hạ tầng nên nguyên tắc bất di bất dịch là không được gây sức ép (tăng dân số, phương tiện giao thông, nhu cầu sử dụng hạ tầng…) ở khu vực đó.

Nếu xây cao ốc với mục đích lấy nhà bán hoặc làm văn phòng cho thuê, nói chung là kéo thêm người và phương tiện tập trung vào đó thì không nên.

* Về đề xuất xây cao ốc, Hà Nội lý giải là nhiều công trình mang tính bức thiết đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Như vậy có hợp lý không, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Bá: Về nguyên lý, việc xây nhà cao tầng xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Một là nhu cầu để ở (làm nhà ở) và hai là do nhu cầu dịch vụ (làm văn phòng cho thuê).

Đối với hiện trạng Hà Nội hiện nay, cần phải tính đến việc xây dựng các công trình đó sẽ tác động như thế nào tới khu vực xung quanh và toàn thành phố.

Nếu đảm bảo được nguyên tắc không ảnh hưởng mà lại có lợi hơn thì nên làm.

Ví dụ thành phố Hà Nội đã đồng ý chuyển Nhà máy cơ khí Quang Trung để xây Trung tâm thương mại Vincom ở phố Bà Triệu. Chúng ta thấy ngay việc để nhà máy cơ khí ở đó hay một trung tâm thương mại ở đó hợp lý hơn.

Các điều kiện cần so sánh là công trình xây nhà cao tầng đó có gây sức ép tiêu cực cho đô thị không, nếu đảm bảo phù hợp với kiến trúc cảnh quan, góp phần làm cho môi trường sống trong thành phố tốt hơn mới nên làm. Và đặc biệt là phải tính đến vấn đề hạ tầng, giao thông có được giải quyết đồng bộ hay không.

* Theo ông, những loại công trình nào có thể tiếp tục xây dựng và những loại công trình nào chưa nên “mọc” ra tại các khu vực trung tâm Hà Nội trong giai đoạn hiện nay?

Ông Nguyễn Thế Bá: Theo tôi, bất cứ một công trình nào xây dựng trong trung tâm đều phải rõ ràng về chức năng sử dụng và vị trí của nó. Nếu là nhà ở thì phải đặt đúng vào khu vực nhà ở, nhà làm dịch vụ thì phải đặt đúng vị trí dịch vụ, không thể nằm lẫn lộn sẽ tác động tiêu cực đến các vấn đề của đô thị như kẹt xe, quá tải hạ tầng.

* Với con mắt của một nhà làm quy hoạch, ông quan tâm nhất đến vấn đề gì xung quanh chuyện quy hoạch của Hà Nội hiện nay?


Ông Nguyễn Thế Bá: Tôi rất sốt ruột với cách làm quy hoạch và quản lý quy hoạch của Hà Nội hiện nay. Cứ thay đổi xoành xoạch, trong khi đối với quy hoạch thì việc thay đổi là nghiêm cấm. Khi nào cần thay đổi thì phải được nghiên cứu rất kỹ. Bởi một khi chỗ này thay đổi sẽ kéo theo các điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường ở khu vực đó thay đổi theo.

Ví dụ, các nhà quy hoạch tính, hạ tầng trong nội đô phải rộng hơn ngoài để đảm bảo giao thông thông suốt vì nội đô bao giờ cũng có mật độ người, xe và các hoạt động cao hơn ngoại thành. Nhưng ở ta thì ngược lại, trong thì hẹp, ngoài mới rộng.

Ví dụ đường vành đai 1 (đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa), trước đây chuyên gia Liên Xô (cũ) quy hoạch rộng 150m, nhưng nay ta làm thì đã thu hẹp lại còn có 60m. Dù mới làm đấy nhưng tôi đồ rằng chuyện tắc đường sẽ chỉ là chuyện nay mai.

Thủ đô Hà Nội từ trước đến nay quy hoạch đều có và quy định rõ nhưng cứ hay bị bớt xén! Những cái gì đã trở thành nguyên lý, nguyên tắc bắt buộc thì phải tuân thủ. Không được tùy tiện thay đổi, vi phạm quy hoạch.

* Xin cảm ơn ông.


DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+