Bên hành lang QH, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng (ảnh) trao đổi nhiều nội dung đang được dư luận quan tâm.
* Thưa Phó Thủ tướng, gần đây ở một số đô thị lớn mà điển hình như TPHCM có tình trạng đầu cơ đất. Chính phủ có giải pháp gì để không xảy ra tình trạng này?
- Tăng trưởng kinh tế thì nhu cầu về đất sẽ tăng lên... đó là nhu cầu khách quan. Điều quan trọng là quy hoạch phát triển về đất đai, quy hoạch phát triển về xây dựng từ cơ sở hạ tầng đến các khu công nghiệp, các công trình thương mại phải công khai minh bạch và kể cả đất đai nhất là đất đai đang xây dựng dở.
Chúng ta phải giải quyết nhanh đáp ứng nhu cầu cung cầu của người cần nhà. Chúng ta phải đánh thuế vào những diện tích đầu cơ hay đánh thuế vào những diện tích không phải là thiết yếu cho đời sống như là ở hay cho nhu cầu tăng gia sản xuất, xây dựng các nhà máy... nếu nó vượt quá nhu cầu ấy là hiện tượng đầu cơ thì phải đánh thuế cao để điều tiết lại.
* Thưa Phó Thủ tướng trong báo cáo của CP trình bày trước QH có một điểm mới là sẽ nghiên cứu thành lập một cơ quan giám sát giúp Chính phủ trong việc điều hành vĩ mô đối với các lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán cũng như một số lĩnh vực đầu tư... Phó Thủ tướng có thể nói rõ hơn về mô hình này?
- Điều quan trọng là phải hình thành một hệ thống chỉ tiêu giám sát tổng hợp để xem ảnh hưởng của các hoạt động tài chính tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán ảnh hưởng với nhau như thế nào? Tác động đến kinh tế, giá cả ra làm sao... Từ đó đưa ra phân tích, dự báo, cảnh báo... để có quyết sách thích hợp, quyết liệt.
Đồng thời uỷ ban này nó cũng có trách nhiệm liên quan đến điều phối chính sách. Bây giờ thị trường đang phát triển thì phải để cho nó phát triển, kinh tế thị trường nó có quy luật của nó thì phải để cho nó thực hiện, không được đưa ra những chính sách "sốc", gây "sốc" thị trường tạo ra tâm lý không tốt.
Cho nên chúng ta phải có cơ quan giám sát đó để vừa làm thống nhất hệ thống chỉ tiêu để có những đánh giá phân tích, dự báo tốt. Đồng thời chúng ta cũng làm nhiệm vụ giám sát việc ban hành chính sách. Thông qua hoạt động ban hành chính sách để điều phối làm sao vừa tăng trưởng vừa ổn định mà lại không gây ra biến động. Hiện Chính phủ đang nghiên cứu để thành lập.
*Thưa Phó Thủ tướng, trong báo cáo của Chính phủ lần này có đặt mục tiêu rất cao cho năm sau từ 8,5 đến 9% GDP và trong chỉ đạo điều hành là hướng đến 9%. Vậy cơ sở nào để đặt ra mục tiêu cao đến như vậy?
- Tăng trưởng phụ thuộc vào khả năng đầu tư và phụ thuộc vào nhu cầu phát triển của đất nước. Nhu cầu phát triển của đất nước và nhu cầu tăng trưởng là có, thứ hai là khả năng đầu tư nước ngoài rất lớn. Khả năng đầu tư của DN trong nước cũng lớn... các DN đầu tư đã lên đến trên 250.000, rồi có thể lên 300.000, thậm chí 500.000 DN. Mục tiêu đến năm 2020 chúng ta có hàng triệu DN... Đấy là tiềm năng rất lớn để chúng ta tăng trưởng phát triển được. Vốn ngân sách cũng đã tăng lên nhưng tỉ trọng nó sẽ ngày càng nhỏ lại tức là đầu tư doanh nghiệp tăng lên. Do có nhu cầu, có khả năng nên đặt mục tiêu 9% là đặt trong thế khiêm tốn.
Theo Lao Động