Nộp phạt… “xóa” sai phạm

Cập nhật 28/02/2014 10:51

Một Thông tư vừa mới ban hành của Bộ Xây dựng đang gây nhiều tranh cãi khi đưa ra một quy định khá bất ngờ đó là: Cho phép công trình xây dựng sai phạm nộp tiền phạt để không bị cưỡng chế, phá dỡ. Với quy định này, dư luận lo ngại, chiếc áo khoác lên mình thủ đô vốn chắp vá nay lại càng trở nên khó coi hơn.

Thời gian qua, thủ đô Hà Nội vẫn tồn tại thực trạng xây dựng tràn lan, vô tội vạ, tạo nên một thủ đô với những mảng màu lộn xộn. Ảnh: Hoàng Long

Nộp phạt để… tiếp tục sai phạm

Theo điểm 3, điều 11 ở Thông tư 02 mà Bộ Xây dựng mới ban hành: nếu chủ đầu tư công trình xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế hoặc sai thiết kế đô thị được duyệt mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất được sử dụng hợp pháp thì được đóng tiền phạt để hợp thức hóa công trình, Điều này có nghĩa, với những sai phạm mà chủ đầu tư đã trót làm sai, chủ đầu tư hoàn toàn có thể được điều chỉnh giấy phép xây dựng mà không phải tháo dỡ phần nhà trái phép. Quy định về mức phạt mà Thông tư đưa ra như sau: Đối với công trình vi phạm xây dựng nhưng chưa thực hiện tháo dỡ, cơ quan chức năng xem xét hủy quyết định cưỡng chế phá dỡ. Sau đó, cấp thẩm quyền phạt mức 40% đối với nhà ở riêng lẻ, với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng phạt 50% giá trị công trình sai phép, không phép.

Với việc cho phép người sai phạm được nộp phạt để tiếp tục sai phạm kiểu như trên, thực sự là một quy định gây nhiều bất ngờ.

Trong quy định của Thông tư nói trên, Bộ Xây dựng cũng đưa ra những điều kiện nhất định rằng, nếu chủ đầu tư công trình xây dựng sai phép, không phép… mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất được sử dụng hợp pháp thì được đóng tiền phạt để hợp thức hóa công trình. Song không ít ý kiến cho rằng, để thẩm định được những vấn đề nêu trên xem đất có hợp pháp không, có ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan đô thị hay không… sẽ cần phải có sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp. Ngay cả việc định lượng giá trị của phần xây thêm được đưa ra trong Thông tư cũng rất lờ mờ. Quy định là chủ đầu tư phải nộp phạt 40% đối với nhà ở riêng lẻ, 50%  đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng sai phép… ai sẽ là người tính toán giá trị tăng thêm của phần xây dựng vượt ra một cách chính xác là bao nhiêu?


Nhà siêu mỏng, siêu méo - hậu quả của việc quản lý dễ dãi
Ảnh: Tư liệu

Sửa "gốc” hay sửa "ngọn”?

Một vài ý kiến trong dư luận bày tỏ sự cảm thông đối với cấp quản lý các công trình xây dựng. Bởi, lâu nay, việc sai phạm trong xây dựng các công trình, dự án đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện”. Cũng phải thôi vì chính cơ chế xin – cho đã và đang tạo nên những tiền lệ xấu cho việc xây dựng trái phép các dự án một cách tràn lan. Và khi không thể xử lý được một cách triệt để, có lẽ Bộ Xây dựng đành phải sử dụng biện pháp mang tính chất "thỏa hiệp” này chăng? Cũng có ý kiến cho rằng, thôi đành, đã không xử lý được thì phạt. Vì thà phạt được còn hơn không, chẳng lẽ nhà quản lý lại cứ "khoanh tay đứng nhìn?”.

Không phải đến bây giờ, người ta mới nhận thấy những bất cập trong việc cấp phép xây dựng của bộ máy chính quyền. Chính Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng phải thừa nhận trước diễn đàn Quốc hội những rối rắm trong thủ tục cấp phép xây dựng hiện nay và ông cũng đã nói, sẽ cố gắng giảm tối đa thủ tục cấp phép xây dựng. Vì thế, việc Bộ Xây dựng ra Thông tư 02 với một quy định khá hy hữu nói trên, một chuyên gia đã bộc lộ vẻ cảm thông, chia sẻ rằng: Có lẽ vì chưa sửa gốc được nên nhà quản lý đành sửa phần ngọn, như vậy vừa đỡ gây lãng phí mà cũng khiến cho DN bớt nặng gánh.

Song, đã là quy định, luật định, nhất thiết không thể nhượng bộ, bởi khi đã nhượng bộ, tất yếu sẽ bị nhờn. Một chuyên gia trong ngành kiến trúc đặt câu hỏi: Luật là phải nghiêm minh, luật còn mở đường cho sai phạm, vậy đặt ra để làm gì? Đành rằng, đây là một cách sửa sai tạm thời của cấp quản lý, nhưng sửa sai kiểu này không khéo lại tạo ra nhiều sai phạm khác. Nhận định này không sai! Bởi, nếu so sánh về lợi nhuận có được do sai phạm trong xây dựng và số tiền phải nộp phạt, các chủ đầu tư sẵn sàng đánh đổi để thực hiện tiếp các sai phạm của mình. Như vậy, chẳng phải sai phạm sẽ nối tiếp sai phạm hay sao?

Nói về những bất cập liên quan đến việc cấp phép xây dựng, ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho bộ mặt thủ đô trở nên nhộm nhoạm như hiện nay, chính là bởi việc cấp phép xây dựng một cách tùy tiện. Đơn cử như việc, tại phố Đặng Dung, nhà quản lý vừa "cắt” đi một tòa nhà cao tầng thì cách đó không xa, lại cho phép xây dựng hai tòa nhà cao chót vót, hơn cả tòa nhà vừa bị cắt.

Thời gian qua, thủ đô Hà Nội vẫn tồn tại thực trạng xây dựng tràn lan, vô tội vạ. Không ít lần, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm đã đưa ra nhận định, quy hoạch của Việt Nam đang mất dần chức năng kiểm soát đô thị. Chính việc mạnh ai nấy xây, xây không theo quy hoạch, xây không có sự kiểm soát ấy đã và đang tạo nên một thủ đô với những mảng màu lộn xộn, chỗ nhô ra nhô vào, chỗ siêu mỏng siêu méo. Và rốt cuộc, thủ đô Hà Nội vẫn đang khoác trên mình một bộ áo vá víu, lem nhem. Và Thông tư trên của Bộ Xây dựng không những không "lau sạch” được sự lem nhem ấy mà còn tạo nên những nguy cơ khiến cho chiếc áo đô thị càng trở nên chắp vá hơn. Đó chính là lo ngại của giới chuyên gia trong ngành đối với Thông tư  02.

Ở một khía cạnh khá thông cảm với những khó khăn của nhà làm quản lý hiện nay, Kỹ sư Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: "Chúng ta nên nhìn rộng hơn vấn đề, nếu như công trình đó xây dựng không ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, không phá vỡ quy hoạch, kiến trúc của thủ đô, không làm tổn hại hay tạo ra bất kỳ một nguy cơ nào cho thành phố về môi trường, đời sống dân sinh… thì cũng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu đã có ảnh hưởng, dù chỉ một yếu tố nhỏ, chẳng hạn như gây mất mỹ quan đô thị… thì nhất định phải xử lý. Không thể nhượng bộ!"


DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết