Nóng lòng mong cơ chế

Cập nhật 11/10/2013 09:08

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, sau hai kỳ họp Quốc hội chưa thể thông qua, dự kiến trong kỳ họp Quốc hội tháng 10 này sẽ được thảo luận, góp ý lần cuối cùng.

Mặc dù các chính sách ngày càng hướng tới lợi ích của người bị thu hồi đất, song mục tiêu "người bị thu hồi đất có cuộc sống ít nhất bằng hoặc tốt hơn trước khi bị thu hồi" hầu như chưa đạt được hiệu quả. Việc đảm bảo đời sống của người dân trực tiếp sống bằng nghề nông bị thu hồi đất cũng chính là vấn đề được góp ý nhiều trong các kỳ họp Quốc hội.

Theo Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp, từ năm 2000-2011, cả nước đã giảm 348.000ha đất trồng lúa, trong đó 47% diện tích để xây dựng đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ. Theo đó, có tới 45,24 vạn lao động nông nghiệp phải chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng mới chỉ có 29,2 vạn người được vào làm việc trong các khu công nghiệp, tức là còn trên 35% lao động rơi vào tình trạng mất việc làm do bị thu hồi đất. Tại các địa phương có đất bị thu hồi, tỷ lệ thất nghiệp từ 5% tăng lên 25%.

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, trung bình mỗi hecta đất nông nghiệp bị thu hồi, có tới 13 lao động mất việc. Điều đáng lo ngại là, trên cả nước có 53% số hộ bị thu hồi đất đã giảm thu nhập và có đến 34,5% số hộ sống trong điều kiện thấp hơn so với trước. Chỉ có những hộ gần Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… được cải thiện về thu nhập, nhưng cũng chỉ chiếm 56% nhờ vào buôn bán nhỏ lẻ, kinh doanh dịch vụ đô thị. Khảo sát của Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp cho thấy, với những hộ mất đất cho đô thị hóa và khu công nghiệp, 60% nguồn thu nhập từ các nghề phi chính thức như làm thuê, lao động chân tay; tỷ lệ thu nhập từ nông nghiệp giảm mạnh tới 63%.

Điều kiện sống của người dân tại các khu tái định cư có thể được cải thiện và "đô thị hóa" hơn ở nông thôn, tuy vậy điều người dân quan tâm hơn cả là được đảm bảo bằng chính sinh kế của họ. Tại hầu hết các khu vực có đất bị thu hồi, gói bồi thường, hỗ trợ cho người dân chỉ là "gói tiền". Sau khi nhận tiền, họ không biết xoay xở đầu tư vào đâu, không thể tạo lập sinh kế mới.

Điều tra cho thấy, có tới 53% số tiền đền bù được người dân dùng để xây nhà, 17% chi vào những mục đích khó liệt kê, chỉ có 11% nông dân dùng tiền để học nghề mới. Thế nhưng, tình trạng bỏ học nghề khá phổ biến vì địa phương "vẽ" ra những dự án không phù hợp, vừa tốn tiền Nhà nước, vừa mất công sức, thời gian của nông dân. Chưa kể, các doanh nghiệp địa phương quá chặt chẽ trong việc tuyển dụng lao động với lý do "chính đáng" là hạn chế trình độ, chất lượng dạy nghề.

Trước thực trạng này, BộLĐ-TB&XH vừa công bố dự thảo Quyết định của Chính phủ "về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp" với rất nhiều chính sách ưu đãi. Người dân rất nóng lòng mong cơ chế, chính sách dù biết rằng, từ chính sách đến cuộc sống vẫn còn là một khoảng cách lớn.


DiaOcOnline.vn - Theo An ninh thủ đô