Những vấn đề về cơ chế, chính sách phát triển KCN

Cập nhật 24/11/2010 16:35

Từ thực tiễn hoạt động theo Nghị định 29/2008/NĐ-CP, Ban quản lý Các khu công nghiệp Bắc Ninh đánh giá một số nội dung tích cực, hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung như sau:

1. Về công tác xúc tiến đầu tư, cần chú trọng 2 khâu chính:

Bắc Ninh đã hoàn thiện quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020
Thứ nhất, quy hoạch gắn với định hướng thu hút đầu tư, để phát triển hạ tầng hợp lý giữa trong và ngoài khu công nghiệp (KCN), vừa tăng về lượng, vừa hoàn thiện về chất.

Công tác xúc tiến đầu tư được xác định ngay từ công tác quy hoạch phát triển các KCN, quy hoạch đi trước một bước, nhằm phát huy những lợi thế để biến thành nguồn lực phát triển các KCN, đồng thời với định hướng phát triển ngành công nghiệp nào, có tạo lập công nghiệp mũi nhọn không, mô hình nào cho các KCN?

Đến nay, Bắc Ninh đã hoàn thiện quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 15 KCN, diện tích đất KCN là 6.541 ha. Trong đó, diện tích quy hoạch chi tiết các KCN đạt khoảng 90%; 10 KCN đang triển khai xây dựng và đi vào hoạt động; tỷ lệ lấp đầy trên diện tích quy hoạch chi tiết được duyệt 47,35% và trên diện tích thu hồi là 67,4%.

Thứ hai, kỹ thuật xúc tiến đầu tư. Thực tiễn giai đoạn 2005-2010, các KCN phát triển theo hướng gia tăng về lượng. Công tác xúc tiến đầu tư đã chuyển hướng từ xúc tiến đầu tư đơn lẻ sang theo chuỗi giá trị, gồm các tập đoàn lớn và các công ty vệ tinh, nhằm tạo ra sự đột phá, tăng trưởng nhanh về tỷ trọng công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 19,43 lần, giá trị xuất khẩu tăng 83,82 lần, thu ngân sách tăng 19,37 lần, giải quyết việc làm tại chỗ tăng 6,24 lần. Đồng thời, xác lập ngành công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là ngành điện tử, bước đầu hình công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử.

Đến nay, đã thu hút 438 dự án, với tổng vốn đăng ký 3,4 tỷ USD, trong đó 192 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm 2,4 tỷ USD; 210 dự án đi vào hoạt động, đóng góp khoảng 60% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, 90% giá trị xuất khẩu, 30% ngân sách và thu hút 51.000 lao động trực tiếp, trong đó 50% là lao động địa phương.

Nhưng sang giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020; KCN có sự phát triển cao về chất, đòi hỏi:

- Công tác quản lý bảo vệ môi trường trong KCN phải hoàn thiện cách thức giải quyết vấn đề môi trường theo tiêu chí KCN bền vững.

- Thu hút dự án có công nghệ tiên tiến, doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử, viễn thông, cơ khí chính xác. Đồng thời, phải có đội ngũ lao động bậc cao.

- Phát triển hạ tầng xã hội để thu hút và “giữ chân” người lao động.

Đáp ứng yêu cầu trên, công tác quy hoạch phát triển các KCN cần có sự điều chỉnh bổ sung cơ cấu chức năng; thực hiện liên kết nhanh hạ tầng kỹ thuật và xã hội giữa các KCN với khu đô thị, để tự chuyển hoá mô hình KCN - đô thị thành đô thị công nghiệp trong tiến trình đô thị hoá.

Do vậy, từ bài toán thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, nay chuyển sang phát triển về chất, tức là phải giải quyết bài toán “bốn thu”: thu hút đầu tư; thu hồi đất; thu hút lao động và thu ngân sách trong việc xem xét tiêu chí đánh giá về trình độ công nghệ, mức độ bảo vệ môi trường và trình độ lao động, hệ số thâm dụng lao động. Giải quyết tốt bài toán này là giải pháp lớn để thực hiện thành công phát triển các KCN - đô thị hiện đại.

Đồng thời, cơ cấu lại, chuyển đổi một số KCN trọng điểm theo hướng hình thành trung tâm công nghệ cao, tạo lập ngành công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là ngành điện tử.

Nâng cao kỹ năng xúc tiến đầu tư, phải chuyển tải công tác xúc tiến đầu tư là nhiệm vụ chung của tỉnh; bản thân Ban quản lý phải đổi mới cách thức và phương pháp quản lý, chuyển hoá từng quy trình để chuyên nghiệp hoá, các hình thức xúc tiến thường xuyên đổi mới.

2. Về công tác quy hoạch, thành lập, mở rộng KCN


Ông Vũ Đức Quyết Trưởng ban quản lý các KCN Bắc Ninh
Theo Nghị định 29, quy định tỷ lệ lấp đầy trên diện tích quy hoạch ít nhất 60% khi thành lập, mở rộng KCN chỉ phù hợp với những tỉnh khó khăn trong công tác thu hút đầu tư. Đối với những tỉnh thuận lợi, dễ dẫn đến độc quyền kinh doanh hạ tầng, không cạnh tranh, mất cơ hội thu hút đầu tư.

Thực tiễn, để phục vụ công tác điều hành, Ban quản lý Các KCN Bắc Ninh đã tự áp dụng chỉ tiêu tỷ lệ lấp đầy trên diện tích thu hồi, nhằm kế hoạch hoá sâu công tác sử dụng đất và tiết kiệm đất đai, chống độc quyền về giá cho thuê lại đất đối với công ty hạ tầng; đồng thời, đề phòng rủi ro, giảm tải bức xúc do thu hồi đất.

Vì vậy, nếu bổ sung vào Nghị định 29, đề nghị, ngoài chỉ tiêu định hướng trên, cần nghiên cứu áp dụng chỉ tiêu lấp đầy trên diện tích thu hồi để phù hợp với đặc điểm của từng tỉnh, coi đó là chỉ tiêu điều hành để linh hoạt cho công tác phát triển các KCN.

3.Về cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư

l Đối với công ty kinh doanh hạ tầng, theo Nghị định 153/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật KCN phải có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt. Cần cụ thể hoá thêm, chủ đầu tư cần đặt cọc một khoản tiền phù hợp với sự phát triển của từng giai đoạn đầu tư xây dựng hạ tầng KCN theo đăng ký.

l Đối với dự án thứ cấp, lưu ý mối quan hệ giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư với Ban quản lý các KCN đối với dự án đầu tư trong nước, để tránh hiện tượng chuyển nhượng ngầm. Cần có hướng dẫn cụ thể về xử lý thu hồi giấy chứng nhận đầu tư cho từng trường hợp phát sinh: nhà đầu tư tự nguyện xin rút khỏi dự án; bắt buộc do vi phạm; chuyển nhượng dự án.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư