Những dự án giao thông trọng điểm "giải cứu" sân bay Tân Sơn Nhất, hàng vạn người vui mừng khôn siết

Cập nhật 18/03/2019 16:30

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho biết, quy hoạch điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030 được duyệt có hàng loạt dự án giao thông giúp kết nối thông suốt từ sân bay về khu trung tâm TPHCM.



Theo quy hoạch điều chỉnh, tổng diện tích đất quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất là 791ha, gồm 545ha đất Cảng hàng không Tân Sơn Nhất hiện hữu, 19ha đất quốc phòng đã tạm bàn giao làm sân đỗ, 18ha đất quốc phòng liên danh với hàng không dân dụng, 35ha đất quy hoạch bổ sung phía Nam và 171ha đất quy hoạch bổ sung phía Bắc.

Theo Sở GTVT, khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất có 6 điểm ùn tắc gồm: vòng xoay Lăng Cha Cả, đường Hoàng Minh Giám, giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn, đường Trường Chinh (đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Tân Kỳ - Tân Quý), giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Bạch Đằng - Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám.

Để giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp, từ phân làn, điều tiết, cấm dừng đỗ trên đường Trường Sơn. Nhiều dự án cũng đang được nghiên cứu, xây dựng. Các cầu vượt thép cũng đã được đưa vào sử dụng, giải quyết đáng kể tình trạng kẹt xe nhưng đó chỉ là biện pháp tạm thời.

Hơn nữa, từ khi có cầu thép tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, các phương tiện từ đường Bạch Đằng, phía bên Q.Gò Vấp dù không đi vào sân bay lại dồn về đây gây áp lực lớn cho đường Trường Sơn. Khi xảy ra sự cố, tai nạn tại khu vực các cầu vượt rất dễ xảy ra hiệu ứng dây chuyền, gây kẹt xe kéo dài cả tuyến đường. Đặc biệt là khu vực đường Cộng Hòa - Lăng Cha Cả.

Sở này đề nghị trong lúc đang chờ giải quyết thì các điểm nóng cần phải có cơ chế điều phối ùn tắc giao thông, khi xảy ra tai nạn, sự cố giao thông phải giải tỏa ngay tại các điểm ùn tắc. Đặc biệt, phải gấp rút đầu tư 22 dự án giải quyết ùn tắc xung quanh sân bay.
Hàng loạt tuyến đường kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất đang được đầu tư mở rộng cũng là cơ hội cho hàng loạt dự án BĐS dọc đó bùng nổ.

Trước đó, để "giải cứu" tình trạng kẹt xe khá trầm trọng tại các cửa ngõ ra vào sân bay, hồi đầu năm 2018, TP.HCM đã đề xuất việc đầu tư xây dựng dự án đường trên cao nối với trung tâm thành phố.

Theo đó, vị trí xây dựng giai đoạn 1, tuyến đường trên cao số 1 bắt đầu từ vòng xoay Lăng Cha Cả - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long nối dài - cắt qua đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Thị Minh Khai đến ngã ba đường Nguyễn Văn Lạc và đi theo đường Ngô Tất Tố để kết nối ra đường Nguyễn Hữu Cảnh, tổng chiều dài 9,5km.

Giai đoạn 2 xây dựng đường trên cao, đoạn từ Cộng Hòa - Lăng Cha Cả và sẽ kết nối cầu chính và xây dựng thêm các nhánh nối từ Tân Sơn Nhất lên cầu cạn và ngược lại. Dự án có tổng dự toán ban đầu là 2.600 tỉ đồng, được các nhà đầu tư đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó ngân sách TPHCM hỗ trợ cho công tác giải phóng mặt bằng khoảng 450 tỉ đồng, phần còn lại (2.150 tỉ đồng) hoàn vốn bằng quỹ đất.

Một dự án khác là đầu tư mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng Doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa, quận Tân Bình: Tổng mức đầu tư: khoảng 254,745 tỷ đồng (trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 170 tỷ đồng). Mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, đoạn từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa, theo đúng lộ giới quy hoạch được duyệt. Chiều dài khoảng 783,15m, mặt cắt ngang: 22m. Dự án đã duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự toán. Hiện các nhà đầu tư đang chờ mặt bằng.

Được biết, UBND quận Tân Bình đang niêm yết giá T1 (thời gian sử dụng đất) đã được thông qua tháng 9/2018. Đang hoàn thiện giá T2 và dự kiến trình Hội đồng thẩm định giá đất TPHCM giá đất T2 trong tháng 3 này.

UBND quận Tân Bình đang đo vẽ, cập nhật chính xác diện tích thu hồi đất quốc phòng, đưa vào phương án bồi thường của dự án. Trong trường hợp thuận lợi, UBND quận Tân Bình bàn giao mặt bằng trong quý 3/2019, sẽ tổ chức thi công hoàn thành toàn bộ công trình trong quý 2/2020.

Dự án Cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, quận Tân Bình có tổng mức đầu tư là 141,867 tỷ đồng (trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 114 tỷ đồng). Chiều dài khoảng 133,99m, mặt đường rộng từ 14m đến 19m. TPHCM đã duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và đang chờ mặt bằng thi công.
Mạng lưới đường giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất

UBND quận Tân Bình đang niêm yết phương án bồi thường theo giá T1 thông qua tháng 9/2018. Đang hoàn thiện giá T2 theo ý kiến của Hội đồng thẩm định giá đất TPHCM, dự kiến trình lại trong tháng 3/2019. Trong trường hợp thuận lợi, UBND quận Tân Bình bàn giao mặt bằng trong quý 3/2019, sẽ tổ chức thi công hoàn thành toàn bộ công trình trong quý 2/2020.

Một dự án khá lớn mà TPHCM đang yêu cầu các quận liên quan gấp rút đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đó là Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ), quận Tân Bình và quận Tân Phú, với quy mô 970,84m, rộng 60m. Tổng mức đầu tư dự án xây lắp là 240 tỷ đồng. Tháng 1/2017, Sở GTVT đã thông qua ranh bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao ranh cho UBND quận Tân Bình, UBND quận Tân Phú để triển khai dự án bồi thường giải phóng mặt bằng. Đồng thời đã phê duyệt dự án phần xây lắp tháng 10/2018.

Đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án được tách thành dự án độc lập đã được Hội đồng nhân dân TPHCM thông qua chủ trương đầu tư công do Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Bình, quận Tân Phú làm chủ đầu tư (phía quận Tân Bình khoảng 1.012 tỷ đồng, phía quận Tân Phú khoảng 759 tỷ đồng).

Hiện nay, UBND quận Tân Bình, UBND quận Tân Phú đang triển khai các công việc liên quan để hoàn thiện dự án, trình phê duyệt. Tuy nhiên, dự án không được ghi vốn chuẩn bị đầu tư năm 2019 nên chưa đủ cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Song song đó, UBND TP.HCM cũng vừa duyệt điều chỉnh dự án nâng cấp và mở rộng đường Phạm Văn Bạch – tuyến đường chạy giáp Sân bay Tân Sơn Nhất, đi qua địa phận 2 quận Tân Bình và Gò Vấp.

Cụ thể, bổ sung hạng mục cải tạo, mở rộng khoảng 659m đường Tân Sơn (đoạn từ cổng sân golf đến đường Quang Trung) từ 2 làn xe lên 4 làn xe để đồng bộ 4 làn xe toàn tuyến; xây dựng đoạn đường Nguyễn Sỹ Sách kết nối với đường Phạm Văn Bạch (đường, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng) dài khoảng 37m, rộng 18,5m.

Một công trình nữa là Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa), quận Tân Bình và quận Tân Phú, có chiếu dài 636,38m, rộng 30m. Tổng mức đầu tư dự án xây lắp khoảng 109,4 tỷ đồng.

Tháng 1/2017, Sở GTVT TPHCM đã thông qua ranh bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao ranh cho UBND quận Tân Bình, UBND quận Tân Phú để triển khai dự án bồi thường giải phóng mặt bằng. Đồng thời đã phê duyệt dự án phần xây lắp tháng 10/2018.

Đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án được tách thành dự án độc lập đã được Hội đồng nhân dân TPHCM thông qua chủ trương đầu tư công do Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Bình, quận Tân Phú làm chủ đầu tư (phía quận Tân Bình khoảng 170 tỷ đồng, phía quận Tân Phú khoảng 391 tỷ đồng).

Hiện nay, UBND quận Tân Bình, UBND quận Tân Phú đang triển khai các công việc liên quan để hoàn thiện dự án, trình phê duyệt. Tuy nhiên, dự án không được ghi vốn chuẩn bị đầu tư năm 2019 nên chưa đủ cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Được biết, trước đó Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đã nhận được văn bản của Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh đề xuất dự án xây dựng hầm chui tại nút giao Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, phương án do Công ty Hưng Thịnh đề xuất gồm xây dựng hầm chui và mở rộng đường Trần Quốc Hoàn. Chi phí xây dựng ước tính khoảng 370 tỷ đồng, giá trị chính thức sẽ được xác định sau khi nhà đầu tư lập dự án đầu tư trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

Về xây dựng hầm chui tại nút giao Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi, phía Hưng Thịnh đề xuất phương án xây dựng hầm chui có chiều rộng 2 làn xe tại nút giao theo hướng đường Phan Đình Giót - Nguyễn Văn Trỗi, chiều dài 785m, gồm 485m hầm kín và 2 x 150 hầm hở.

Hầm này cho phép tất cả các phương tiện giao thông đi từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố 1 chiều theo hướng đường Trường Sơn - hầm chui tại nút giao Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi - trung tâm thành phố.

Về đề xuất mở rộng đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, phương án là dỡ bỏ dải phân cách hiện hữu (bằng cây xanh) có chiều rộng khoảng 3m, tái lập mặt đường để tăng thêm 1 làn xe nhằm tăng khả năng thông xe của tuyến đường này, do hiện nay làn xe bên trong dải phân cách gần như không có xe lưu thông.

Được biết, Dự án Xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, quận Tân Bình với quy mô: Tổng chiều dài tuyến: khoảng 4.390m. Mặt cắt ngang 4 làn xe toàn tuyến. Tổng mức đầu tư khoảng 1.403 tỷ.

Quy mô đề xuất điều chỉnh (theo quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt): Tổng chiều dài tuyến khoảng 4.031m. Mặt cắt ngang 6 làn xe toàn tuyến. Tổng mức đầu tư khoảng 4.321 tỷ đồng (trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 2.250 tỷ đồng).

UBND TPHCM mới đây chỉ đạo việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất phải đồng bộ với việc mở rộng hệ thống đường giao thông xung quanh sân bay và kết nối vô sân bay. Theo đó, UBND TPHCM giao các quận huyện, sở ngành tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai, nếu có vướng chỗ nào về thủ tục cần báo cáo TPHCM gỡ ngay, cái nào thuộc Bộ Quốc phòng thì TPHCM sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo.

Về công tác đền bù giải tỏa, cần lưu ý giá đền bù phải đồng bộ với các dự án cùng triển khai trong khu vực (như dự án metro số 2) để tạo sự đồng thuận với người dân. Bởi vì đây là những dự án thực hiện bằng ngân sách TPHCM nên phải minh bạch, công khai để chọn nhà thầu có năng lực kinh nghiệm trong thi công, giá cả hợp lý, đảm bảo vệ sinh môi trường, áp dụng công nghệ mới trong thi công để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình.

DiaOcOnline.vn – Theo Nhịp sống kinh tế