Nhiều vướng mắc trong quản lý cây xanh đô thị

Cập nhật 24/09/2019 09:00

Trong 2 năm qua, tình hình thời tiết tại TPHCM diễn biến bất thường cùng với các điều kiện bất lợi khác mà hệ thống cây xanh đường phố đang đối mặt nên sự cố cây xanh (ngã đổ, rơi gãy nhánh) cũng diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại về người và tài sản.

Mảng xanh trên đường Nguyễn Văn Linh - Ảnh: CAO THĂNG

Cây xanh bị xâm hại

Báo cáo với Bộ Xây dựng về công tác quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn TPHCM nhằm đảm bảo an toàn, phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão, UBND TP cho biết trong 2 năm 2017 và 2018, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.260 cây xanh bị ngã và gần 2.000 cây bị gãy nhánh, làm 1 người chết, 17 người bị thương, gây hư hỏng hàng chục ô tô, xe máy và nhiều căn nhà của người dân… Phần lớn cây ngã do có gió giật mạnh xảy ra trên khắp địa bàn thành phố trong khoảng thời gian ngắn.

Theo UBND TPHCM, hiện trạng vỉa hè trên địa bàn hẹp, phần lớn chỉ rộng từ 5m trở xuống, trong khi đó hệ thống hạ tầng kỹ thuật (thoát nước, cấp nước, cáp viễn thông, điện lực) dưới vỉa hè ảnh hưởng rất lớn đến không gian phát triển của hệ rễ cây xanh. Bên cạnh đó, hiện trạng vỉa hè trong các khu dân cư cũng hẹp, do quá trình đô thị hóa mạnh, các nhà cao tầng tăng cao nên thiếu không gian phát triển cho cây xanh; đối với các chủng loại cây có tính hướng quang cao như lim xẹt, phượng vĩ, sọ khỉ, bò cạp nước... thường bị lệch tán, nghiêng ra đường và có nguy cơ gãy đổ cao trong mùa mưa bão. Tại những khu vực có nhiều nhà cao tầng còn tạo nên hiệu ứng gió đường hầm, khiến hướng gió, sức gió thay đổi và gia tăng đột ngột khi có giông, lốc, cũng là một trong những nguyên nhân làm cho cây xanh dễ ngã đổ.

Tình trạng xâm hại cây xanh diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức, từ chủ động phá hoại đến sự thiếu ý thức trong quá trình thi công các công trình, khiến hệ thống cây xanh luôn phải đối mặt với những rủi ro bất ngờ, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn trong tương lai. Cùng với đó, nhiều tuyến đường vẫn chưa ngầm hóa được hệ thống lưới điện nên xảy ra tình trạng xung đột lưới điện với cây xanh. Cây xanh bị khai quang nhiều lần để đảm bảo an toàn điện dẫn đến phần lớn cây xanh bị lệch tán, thân nghiêng, dễ gây ra gãy đổ trong mùa mưa bão.

Chủ động chọn danh mục cây xanh đô thị

Theo UBND TPHCM, việc lựa chọn loại cây trồng trong đô thị phù hợp với điều kiện địa phương và có khả năng thích ứng chống chịu thiên tai đòi hỏi phải nghiên cứu về đặc tính của chủng loại cây và phải thận trọng trồng khảo nghiệm trên đường phố trước khi trồng phổ biến - đòi hỏi phải theo dõi, đánh giá trong thời gian nhiều năm. Thực tế, thời gian vừa qua, TPHCM có trồng thử nghiệm nhiều loài cây, nhưng theo thời gian, một số loài cây bộc lộ những khiếm khuyết. Do đó, đối với việc ban hành danh mục cây trồng đường phố, thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành quy định, nguyên tắc khung đối với vấn đề này trên cơ sở đảm bảo phù hợp giữa tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng đô thị, điều kiện thổ nhưỡng từng địa phương và thực tiễn lựa chọn loài cây trồng của mỗi địa phương.

TPHCM sẽ thực hiện nghiên cứu, khảo nghiệm để ban hành danh mục cây trồng đường phố có khả năng thích ứng chống chịu thiên tai, dựa trên các nguyên tắc cơ bản: Tuân thủ phù hợp đối với tiêu chuẩn, quy định xây dựng đô thị, các công trình hạ tầng kỹ thuật; Phù hợp điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Cây tạo được bóng mát, tán lá, hoa đẹp, góp phần cải thiện môi trường. Ưu tiên cây thuộc nhóm trung mộc và tiểu mộc, hạn chế cây đại mộc…

TPHCM cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quản lý cây xanh đô thị. Cụ thể, theo Nghị định 64/2010 về quản lý cây xanh đô thị, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu chính đáng về chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị ngoài việc tuân thủ các quy định còn phải có trách nhiệm đền bù giá trị cây. Tuy nhiên, hiện nay cách tính đền bù giá trị cây xanh đô thị chưa được hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với quy định bán kính vùng an toàn bảo vệ cây bằng 10 lần đường kính cây tại chiều cao tiêu chuẩn, việc thi công các công trình gần cây xanh sẽ rất khó đáp ứng vùng an toàn. Đối với việc đốn hạ, di dời cây xanh trong quá trình chăm sóc, bảo quản cây của các đơn vị quản lý cây xanh, theo quy định hiện hành, ngoại trừ các trường hợp chặt hạ cây do tình thế khẩn cấp thì không phải xin cấp phép, tất cả các trường hợp còn lại đều yêu cầu phải cấp giấy phép trước khi đốn hạ, di dời cây. Việc này khiến phát sinh thủ tục hành chính đối với các trường hợp đốn hạ cây xanh do cây bị sâu bệnh, cải tạo cây… TPHCM kiến nghị Bộ Xây dựng sớm có văn bản hướng dẫn, điều chỉnh các quy định cho phù hợp thực tế.

Hiện TPHCM chưa có nghiên cứu cụ thể về loài cây trồng trên đường phố phù hợp với điều kiện địa phương và có khả năng chống chịu trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, qua thực tiễn quản lý, một số loài cây được trồng tại TPHCM có ưu thế đáp ứng cơ bản các điều kiện trên, gồm: me chua, mặc nưa, bằng lăng, giáng hương lá lớn, gõ mật... Một số chủng loại cây thường bị sâu bệnh, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây và mỹ quan đô thị: cây viết, muồng hường, kèn hồng bị sâu đục thân; sao đen bị sâu ăn lá theo mùa; me tây bị rệp sáp...
 

DiaOcOnline.vn – Theo SGGP