Nhiều quy định mới về quản lý nhà chung cư

Cập nhật 05/03/2010 08:10

Tỉ lệ sở hữu trong nhà chung cư là cơ sở để xác định nghĩa vụ và quyền lợi của từng chủ sở hữu. Phí dịch vụ nhà chung cư phải được trên 50% thành viên trong ban quản trị thông qua.

Sở Xây dựng vừa có tờ trình UBND TP.HCM về việc ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn. “So với Quyết định 08/2008 của Bộ Xây dựng quy định về vấn đề này, dự thảo mở rộng hơn, bao gồm cả việc quản lý xây dựng, quản lý việc mua bán căn hộ, mua bán phần sở hữu riêng trong nhà chung cư” - sở này cho biết.

Phí dịch vụ: Theo hợp đồng (nếu đã có)

Dự thảo có một số nội dung khác với quy định do Bộ Xây dựng ban hành trước đó, chẳng hạn cách xác định diện tích căn hộ nhà chung cư. Theo Thông tư 01/2009 của Bộ Xây dựng, có hai cách tính diện tích căn hộ: Hoặc tính theo kích thước thông thủy (lọt lòng) của căn hộ, hoặc tính theo kích thước tính từ tim tường chung và tim tường bao ngoài của căn hộ (tức theo diện tích sàn xây dựng, bao gồm cả diện tích ban công, lô gia nếu có của căn hộ).

Dự thảo của Sở Xây dựng chọn cách tính thứ nhất là theo kích thước thông thủy, vì điều đó “đúng theo Luật Nhà ở và phù hợp tình hình thực tế” (cơ quan này giải thích).

Phí dịch vụ nhà chung cư cũng được dự thảo quy định khác Thông tư 01/2009 nhằm phù hợp tình hình thực tế. Theo Thông tư 01, mức phí không vượt quá giá trần do UBND cấp tỉnh ban hành. Theo dự thảo của Sở Xây dựng, khung phí dịch vụ nhà chung cư do UBND cấp tỉnh quy định theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí, thực tế kinh tế xã hội của TP cũng như thu nhập của người dân.

Phí dịch vụ nhà chung cư phải được trên 50% thành viên trong ban quản trị nhà chung cư thông qua. Nếu chung cư chưa có ban quản trị, mức phí dịch vụ phải được trên 50% hộ dân đang sống tại đó đồng ý. “Trường hợp trong hợp đồng mua bán đã thỏa thuận về mức đóng góp thì thực hiện theo hợp đồng” - dự thảo lưu ý. Mức đóng góp phí dịch vụ được phân bổ theo tỉ lệ sở hữu của từng chủ sở hữu và thu từ người sử dụng nhà chung cư mỗi tháng hoặc mỗi quý một lần.


Với dự thảo mới, việc quản lý nhà chung cư sẽ mở rộng hơn. Ảnh: HTD

Hội nghị nhà chung cư: Không đủ phiếu vẫn làm

Một số nội dung mới về quản lý nhà chung cư đã được quy định trong dự thảo này. Chẳng hạn, dự thảo quy định tỉ lệ sở hữu trong nhà chung cư là tỉ số giữa diện tích phần sở hữu riêng của từng chủ sở hữu trên tổng số toàn diện tích phần sở hữu riêng của toàn bộ chung cư.

Trong đó, diện tích để ở không phải nhân hệ số, còn phần diện tích kinh doanh nhân hệ số 1,2. “Tỉ lệ này là cơ sở để xác định nghĩa vụ (đóng góp kinh phí dịch vụ, bảo trì, cải tạo nhà chung cư…) và quyền lợi (thụ hưởng kinh phí khi phá dỡ, thanh lý nhà chung cư) của từng chủ sở hữu” - Sở Xây dựng giải thích.

Trên thực tế, hội nghị nhà chung cư vốn rất khó tổ chức, nhiều trường hợp không thể tổ chức được do không đủ số lượng thành viên. Nhằm khắc phục khó khăn trên, dự thảo quy định: “Nếu triệu tập ba lần mà vẫn không đủ số lượng tham dự theo quy định thì hội nghị nhà chung cư vẫn được tiến hành nếu được sự đồng ý của UBND cấp huyện hoặc cấp xã (nếu được cấp huyện ủy quyền)”.

Riêng đối với nhà chung cư đang áp dụng hình thức quản lý vận hành khác với quy chế này nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, dự thảo đề nghị cho phép được tiếp tục áp dụng hình thức quản lý hiện hành. Tuy nhiên, các chung cư dạng này phải có kế hoạch chuyển đổi sang mô hình mới trong thời hạn không quá một năm kể từ ngày quy chế có hiệu lực.

Đã có nhiều tranh chấp về việc quản lý nhà chung cư

Hiện TP xuất hiện ngày càng nhiều nhà chung cư với quy mô lớn, trong đó có những nhà cao tầng có mục đích sử dụng hỗn hợp, vừa là chung cư vừa kinh doanh thương mại hay văn phòng.

Thời gian qua đã phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư nhưng việc giải quyết còn lúng túng, chủ yếu do văn bản pháp luật chưa đầy đủ, chưa phù hợp với điều kiện cụ thể của TP.

(Theo đánh giá của Sở Xây dựng)


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP