Trong những ngày đầu diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), triển lãm đã thu hút khá nhiều sự quan tâm của người dân thành phố nói chung, và những Hà Nội định cư ở TPHCM nói riêng.
Theo đồ án phát triển tổng thể, khu vực trung tâm hành chính Thủ đô và đất nước vẫn đặt tại khu vực quận Ba Đình không có gì thay đổi. Theo đó, khu vực Mỹ Đình sẽ trở thành trung tâm mới của một số bộ ngành như Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bảo tàng Hà Nội đang hiện hữu.
Nhiều người dân TP đến tham quan triển lãm cũng đac có những băn khoăn vì cho rằng, diện tích trong đồ án phát triển Hà Nội mới mở rộng sẽ bị nhân lên rất nhiều so với hiện tại, điều đó sẽ tạo nên sức ép lớn cho ngân sách quốc gia trong khi thực tế đất nước vẫn còn nghèo.
Theo ông Nguyễn Xuân Bảng (quận 1), người dân TP HCM rất quan tâm đến quy hoach Hà Nội mở rộng.Tuy nhiên với diện tích Hà Nội hiện giờ quá rộng và nếu Nhà nước đầu tư vào đây một khoản ngân sách quá lớn thì lấy tiền ở đâu….
“Đây là quy hoạch dựa trên lợi ích của đât nước của dân tộc và mong muốn của nhân dân nên chúng ta không thể theo các mong muốn chủ quan để làm việc này được. Nhà nước và Chính phủ không nên chi quá nhiều tiền vào một công việc chưa cần thiết, trong khi đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, mức sống lại chưa cao”, ông Bảng lo lắng nói.
Người dân TP HCM không chỉ quan tâm đến vấn đề về diện tích Hà Nội mở rộng và ngân sách Quốc gia, mà còn quan tâm đến vấn đề bảo tồn các giá trị văn hoá mang bản sắc của Hà Nội.
Bà Nguyễn Hải Thảo ở quận 10 cho rằng, vấn đề bảo tồn diện tích phần Hà Nội cũ sẽ như thế nào trong 50 năm nữa theo đồ án. Cụ thể là khu phố cổ được bảo tồn như thế nào, khi mở rộng diện tích Hà Nội mới sẽ còn bao nhiêu diện tích đất canh tác nông nghiệp bị mất đi? vấn đề an ninh lương thực sẽ được đảm bảo thế nào...? Đặc biệt là vấn đề về hạ tầng giao thông sẽ được giải quyết như thế nào?
Cũng theo đồ án, sẽ có các dự án phân bố dân số khu vực trung tâm ra các các khu đô thị mới, khi đó tại khu trung tâm, khu phố cổ dân cư sẽ được làm loãng từ đó giảm áp lực cho hạ tầng giao thông và xã hội.
Kiến trúc của đô thị sẽ có thay đổi cơ bản khi chiều cao các toà nhà từ khu vực trung tâm sẽ tăng dần lên khi phát triển ra các đô thị bên ngoài, tạo ra một lòng chảo mà tâm làm khu vực của đô thị hiện tại.
Hà Nội trong tương lai sẽ gồm khu đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, các đô thị vệ tinh này sẽ kết nối với khu trung tâm bằng các trục hướng tâm và hệ thống các đường vành đai. Sự kết nối này sẽ tạo ra các cực phát triển mới cho Thủ đô, thêm vào đó tại giao điểm của các đường vành đai và trục hướng tâm thành phố sẽ đầu tư phát triển các đô thị nhỏ kết nối với các tỉnh lân cận.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng lý luận phê bình kiến trúc (Viện kiến trúc quy hoạch đô thị và Nông thôn, Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng và Thành phố Hà Nội phối hợp với Viện Kiến trúc tổ chức triển lãm này nhằm mục đích giới thiệu cho người dân TP. HCM về cấu trúc không gian đô thị, đô thị trung tâm, và các đô thị vệ tinh, cũng như vấn đề bảo tồn… các vấn đề đều được nêu ra và tổng kết ngắn gọn để người dân TP HCM hiểu và đóng góp ý kiến để đại diện tư vấn có thể hoàn thiện để trình Chính phủ trong thời gian tới.
Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những nội dung lớn được kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII vừa qua thảo luận và cho ý kiến, đây cũng là đồ án đầu tiên được công khai và lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ trí tuệ xã hội nhằm hoàn thiện quy hoạch.
Vào tháng 8/2010, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục triển lãm Đồ án quy hoạch chung Hà Nội để lấy ý kiến người dân tại TP Đà Nẵng.
DiaOcOnline.vn - Theo InfoTV