Nhà ở hình thành trong tương lai sắp được thế chấp

Cập nhật 24/04/2014 15:29

Trong vài ngày tới Thông tư hướng dẫn việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai và thế chấp nhà ở sẽ được ban hành.


Thông tin trên được ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà ở và thị trường BĐS –Bộ Xây dựng tiết lộ tại buổi Tọa đàm về “thị trường bất động sản năm 2014: Cơ hội từ chính sách” do báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức vào 23/4.

Liên quan đến vấn đề giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chậm, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, mặc dù gói tín dụng này có sự hỗ trợ của Nhà nước, tuy nhiên, đã là tín dụng thì có vay có trả, nên ngân hàng vẫn phải xem xét đến khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn.

Trong khi đó, phần lớn người mua nhà xã hội là đối tượng có thu nhập thấp, tài sản cũng không có để thế chấp. Do vậy, Thông tư hướng dẫn về thế chấp nhà ở hình thành trong lương lai và thế chấp nhà ở xã hội chuẩn bị được ban hành, để người dân dễ dàng hơn trong khâu vay vốn từ gói tín dụng 30.000 tỷ. Thông tư sẽ được ban hành trong vài ngày tới. Điều này sẽ thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang trình Chính phủ tăng thời hạn vay vốn từ 10 năm lên 15 năm, để mỗi kỳ trả nợ sẽ ít đi, người dân sẽ dễ tiếp cận hơn với vốn vay. Đồng thời, mở rộng đối tượng vay vốn. Khống chế tổng giá trị hợp đồng mua bán căn hộ chứ không khống chế diện tích và giá bán như trước đây. Bên cạnh đó, người dân có đất ở cũng được vay vốn trong gói 30.000 tỷ để tự xây nhà.

Nếu CP thông qua, Bộ Xây dựng sẽ cho thực hiện. Cũng theo ông Hà, do gói 30.000 tỷ là mô hình mới, đang thử nghiệm nên việc giải ngân còn chậm, nhiều khó khăn, trục trặc đang được tháo gỡ. Với những giải pháp trên, hy vọng năm 2014 tốc độ giải ngân sẽ nhanh hơn, nhiều người được vay vốn hơn.

Với gói 30.000 tỷ, vấn đề vướng hiện nay là liên quan đến xác nhận của chính quyền địa phương. Theo ông Hà đối với đối tượng mua nhà xã hội, cứ có hợp đồng mua bán đem tới 5 ngân hàng là được vay vốn nếu đáp ứng điều kiện của ngân hàng. Đối với nhà ở thương mại dưới 70m2, dưới 15  triệu đồng/m2 thì cần có xác nhận chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng dưới 5m2 do chính quyền địa phương xác nhận, còn trường hợp là cán bộ công chức, viên chức thì chỉ cần xác nhận của cơ quan là được.

Bình luận về gói 30.000 tỷ, ông Nguyễn Hữu Cường, chủ tịch CLB bất động sản Hà Nội cho rằng,với những ai nghiên cứu chuyên về BĐS thì khó có thể đưa ra nhận xét gói 30.000 tỷ là thất bại.

Bởi gói 30.000 tỷ là công cụ của CP để điều tiết quản lý vĩ mô trong khi kinh tế rơi vào khủng hoảng kép giai đoạn 2011 -2013. Gói này mới đưa ra vào giữa 2013 nên phải có độ trễ của chính sách. Đến nay nhìn tổng thể đang tăng lên mạnh theo ngày tháng. Số liệu mới nhất từ NHNN, các HĐ cam kết đã tăng 135% so với cuối 2012.

Ông Cường nhận xét: “nếu không có gói 30.000 tỷ có lẽ thị trường BĐS khó chuyển hướng 180 độ từ đóng băng sang phục hồi như hiện nay. Nhìn vào các con số cho thây, nếu không có gói này có lẽ không phải hơn 61.000 DN ngừng hoạt động, hàng triệu người thất nghiệp mà con số còn cao hơn. Với hơn 65.000 căn hộ từ 62 dự án xin chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà xã hội, nếu nhân binh quân mỗi căn hộ 100m2 thì có tới 6,5 triệu m2 nhà ở tồn đọng, thì không biết con số nợ xấu, tồn đọng còn tăng cao như nào.

Nhiều diễn giả có đồng quan điểm, cái được của gói 30.000 tỷ đó là có tác động lan tỏa đến thị trường BĐS và các thị trường liên quan như vật liệu xây dựng, lao động,…là cú “hích” tạo niềm tin cho thị trường.

Theo kiến ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch CEN group kiến nghị, nên chăng đổi ngược tỷ lệ dành tín dụng của gói này là 30% dành cho cá nhân và 70% cho DN, khi đó DN tính lại giá thành, bán nhà trả góp cho người mua và tự chịu trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng, có thể dễ dàng hơn cho người mua nhà. Bởi khi vay vốn người TNT rất e ngại các thủ tục thế chấp vì họ không có tài sản đảm bảo, phần lớn người mua là người ngoại tỉnh di dân (chỉ có KT3), vì vay phải trả nên chứng minh thu nhập, người TNT không có thu nhập ổn định nên việc xác minh thu nhập rất khó khăn.


DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ