Nhà nổi để lấn biển?

Cập nhật 13/07/2010 14:40

Chiều ngày 12.7, tiếp tục diễn đàn bàn tròn Quy hoạch và phát triển đô thị nhằm thích nghi và giảm thiểu ảnh hưởng biến đổi khí hậu” do hội đồng Vành đai Thái Bình Dương về phát triển đô thị và UBND TP.HCM tổ chức, các chuyên gia bàn tới nhiều việc xây dựng nhà nổi trong khu đô thị, bởi đây là một giải pháp thích ứng linh hoạt khi lấn biển.


Theo một chuyên gia nước ngoài, với nền đất bùn giống như ở khu đô thị cảng Hiệp Phước, Hà Lan đã chọn cách xây nhà nổi. Ảnh: L.A.Đ

Theo các chuyên gia Việt Nam, khi xây dựng, dù đã giữ lại khoảng 1.000 ha/hơn 3.000 ha cho hệ thống sông rạch thoát nước, thì khu đô thị cảng Hiệp Phước về cơ bản vẫn là bị biến từ vùng đang chứa nước trở thành vùng không chứa nước. Khi đó hệ sinh thái, dòng chảy… tại đây sẽ bị thay đổi rất lớn. Mặt khác, vùng đất này cũng đang trong quá trình sụt lún nên thách thức lại càng khó khăn hơn.

Theo quy hoạch khu đô thị cảng Hiệp Phước, đến năm 2015, số dân tại đây sẽ là 180 ngàn người. Biện pháp xây nhà nổi, theo nhiều chuyên gia, là một trong những giải pháp linh hoạt, thích ứng cho vùng đô thị cảng Hiệp Phước khi lấn biển.

Nhà nổi trên nền đất lún


Theo một chuyên gia nước ngoài, với nền đất bùn giống như ở khu đô thị cảng Hiệp Phước, Hà Lan đã chọn cách xây nhà nổi. Như vậy sẽ tránh được việc xây nhà phải xử lý nền đất yếu vốn quá tốn kém. Tất nhiên cũng cần lưu ý đến các hệ thống ga, nước… cũng sẽ chập chành theo nước, với chi phí lớn. Đồng thời, khi xảy ra ngập lụt lớn thì khu dân cư nhà nổi này sẽ dễ rơi vào tình trạng cô lập, rất cần tính tới các phương án bảo vệ tốt và thu hút dân tới ở.

Th.S Hồ Long Phi, ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết, việc phân tích thủy văn, thủy triều với khu đô thị cảng Hiệp Phước hiện nay không khó về vấn đề tính toán kĩ thuật mà khó về số liệu đầu vào ở lượng mưa, mực nước và mức độ lún của mặt đất. Theo ông Phi, chính vì những thông số đầu vào bất định này mà vấn đề mức độ lún mặt đất hiện nay quan trọng hơn mức nước biển dâng do biển đổi khi hậu trong việc xây dựng khu đô thị. Vì vậy, biện pháp nhà nổi là một trong những giải quyết, có thể thích ứng với các biến động khó lường về sau này.

Khi tính tới việc khi có dân cư ở tại khu vực cảng Hiệp Phước, các chuyên gia cũng cảnh báo: việc xây dựng nhà ở không chỉ là nhà ở nữa mà còn cần kèm thep những tiện ích, dịch vụ khác cho cuộc sống người dân tại đây, như bệnh viện, trường học, chợ… Việc xây dựng kèo theo này sẽ rất phức tạp, cần tính toán thật kĩ càng về cả giải pháp và hiệu quả kinh tế.

Vì vậy, tại hội thảo, vấn đề nên có dân hay không có dân ở trong khu vực cảng cũng là một băn khoăn lớn.

Nên có dân hay không có dân?


Khi xây dựng khu đô thị cảng Hiệp Phước, các chuyên gia cảnh báo: vấn đề môi trường sẽ không dễ dàng kiểm soát. Theo một chuyên gia, khi tàu thuyền ra vào liên tục, hoặc khi xảy ra sự cố tràn dầu, ô nhiễm và vết dầu loang sẽ rất lớn, cần thời gian dài mới giải quyết được.

Theo các chuyên gia nước ngoài, việc xây dựng khu đô thị này cần phải tuân theo ba nguyên tắc: hệ sinh thái tự nhiên phải được bảo vệ, phát triển khu đô thị phải tránh được tình trạng ngập úng, và phải đạt hiệu quả về mặt kinh tế.
Một chuyên gia đặt câu hỏi: có cần phải cố cố xây dựng nhà ở bằng được cho người làm việc ở hay nên đưa đón về hàng ngày trong khu vực cảng Hiệp Phước? Chuyên gia này đưa ra ví dụ, ở cảng Rotterdam của Hà Lan không có ai sống mà hàng ngày đi về, bởi cảng là nơi đã hoạt động tự động hóa, mặt khác cũng luôn phải tiến ra biển sâu hơn để dễ hoạt động hơn.

Trước vấn đề xác định chi phí đầu tư xây dựng khu đô thị quá lớn và băn khoăn có nên xây dựng khu dân cư hay không, một chuyên gia nước ngoài theo kinh nghiệm của mình cho rằng: nên chăng chia việc xây dựng khu đô thị cảng Hiệp Phước thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu chỉ phát triển cảng và công nghiệp, xây dựng hệ thống đường kết nối với những vùng xung quanh, giao thông cao tốc, xe lửa.. Từ đó, ở giai đoạn 2 mới tính đến việc khả thi hay không khi xây dựng khu dân cư, nhà cửa.

Tuy nhiên, về phía TP.HCM, đại diện ban quản lý khu Nam thành phố cho rằng việc có dân ở là tất yếu. Bởi việc di chuyển chuyên gia, công nhân làm việc tại đây hàng ngày quá bất tiện do xa và không phù hợp với người công nhân thu nhập vốn thấp. Mặt khác, cần chớp thời cơ xây dựng khu dân cư ngay vì chi phí đầu tư xây dựng cho đất vùng này không cao quá do chi phí bồi thường với nền đất lún thấp. Trong khi nếu để càng lâu chi phí bồi thường sẽ càng tăng. Đồng thời, theo kế hoạch, theo đại diện này, việc xây dựng nhà cửa khu dân cư với 1200 ha đã có doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư xây dựng hoàn hoàn mà không phải là nhà nước.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị