Một nhà hàng xây dựng hoành tráng ngay trên bãi biển, vi phạm nghiêm trọng luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Đáng nói hơn, nhà hàng này còn phá rào chắn QL1 ngay đoạn đường cong cua, để cho xe vào - ra.
Nhà hàng Vĩnh Hảo 2 đã xây dựng hoàn thiện và tự ý tháo dỡ thanh chắn bảo vệ an toàn QL1 ẢNH: QUẾ HÀ
"Ngó rất chướng mắt..."
Ngày 25.2, trả lời PV Thanh Niên vì sao không cưỡng chế hay có biện pháp xử lý nhà hàng Vĩnh Hảo 2 xây dựng trái phép ngay khu vực biển gần cầu Bậc Lở (ven QL1, thuộc xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong, Bình Thuận), Chủ tịch UBND H.Tuy Phong Huỳnh Văn Điển cho biết: Theo báo cáo của Phòng Kinh tế hạ tầng H.Tuy Phong, trước đây chủ nhà hàng này được UBND huyện cho thuê đất. Lúc đó khi thi công QL1 đã lấn vào một phần đất mà UBND huyện cho thuê. Phần đất còn lại là đất mà chủ nhà hàng Vĩnh Hảo 2 đã thuê, và đã được UBND huyện cấp phép xây dựng từ trước đây.
"Tức là hộ dân này xây dựng (nhà hàng Vĩnh Hảo 2 - PV) theo cái giấy phép trước kia”, ông Huỳnh Văn Điển nói.
Khi được PV Thanh Niên thông báo chủ nhà hàng Vĩnh Hảo 2 đã tự ý dỡ bỏ cả thanh chắn hành lang bảo vệ QL1 để cho xe ra vào nhà hàng, ông Huỳnh Văn Điển nói: “Nếu tự ý dỡ hành lang đường bộ thì phải xử lý ngay”.
Theo Chủ tịch UBND H.Tuy Phong, ông rất không bằng lòng về vụ việc này và trước đây “đã yêu cầu Phòng Kinh tế hạ tầng kiểm điểm sâu”.
Tuy nhiên, đề cập đến việc nhà hàng Vĩnh Hảo 2 vi phạm luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo (xây ngay trên bãi biển và một phần mặt biển), ông Huỳnh Văn Điển cho hay: “Phòng Kinh tế hạ tầng báo cáo lại là huyện cấp giấy phép cho hộ dân này xây dựng nhà hàng trước khi luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo được ban hành” (luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo có hiệu lực từ ngày 8.7.2015 - PV).
Nhà hàng Vĩnh Hảo 2 khi mới xây dựng tháng 7.2018, đây là đoạn đường cong cua giáp với Cà Ná - Ninh Thuận rất nhiều tai nạn giao thông đã xảy ra ẢNH:QUẾ HÀ
Theo ông Huỳnh Văn Điển, đây là lý do để cho chủ nhà hàng xây dựng nhà hàng Vĩnh Hảo 2 hoàn thiện như bây giờ. “Tôi đã đi kiểm tra rồi, đúng là nhìn cái nhà hàng như vậy ngó rất chướng mắt thiệt”, ông Điển cho hay, và hứa sẽ kiểm tra lại quy trình xây dựng nhà hàng Vĩnh Hảo 2 một lần nữa.
Nhà hàng Vĩnh Hảo 2 rộng 248 m2, chưa kể các công trình phụ và một diện tích bê tông ngay trên mặt biển, các thanh chắn bảo vệ QL1 đã bị phá bỏ cho xe vào nhà hàng ẢNH:QUẾ HÀ
Chủ tịch xã nói gì?
Liên quan đến vụ việc này, chiều 26.2, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân, ông Nguyễn Thanh Sang cho hay chủ nhà hàng Vĩnh Hảo 2 là bà T.N.N.H (là người địa phương) thuê đất nhà nước.
“Khi tháng 7.2018 chủ nhà hàng tiến hành xây dựng nhà hàng, UBND xã đã tiến hành kiểm tra giấy phép. Ngày 20.7, khi phát hiện chưa có giấy phép xây dựng, chúng tôi đã đình chỉ xây dựng ngay, nhưng chưa xử phạt hành chính. Đến ngày 22.8, UBND huyện đã cấp giấy xây dựng bổ sung nên chủ nhà hàng tiếp tục xây dựng”, ông Nguyễn Thanh Sang nói.
Theo ông Sang, khuôn viên nhà hàng Vĩnh Hảo 2 là 248 m2, chưa kể phần bê tông cốt thép đúc ngay trên mặt biển và các công trình phụ khác như nhà vệ sinh, hồ nước ngọt, bếp...
Về mối lo đe dọa an toàn giao thông QL1, ông Bùi Duy Anh, Chi cục trưởng Chi cục Thanh tra đường bộ 4.1 (đơn vị quản lý QL 1 đoạn qua Bình Thuận; thuộc Tổng Cục đường bộ Việt Nam) cho hay ông đã nắm thông tin nhà hàng Vĩnh Hảo 2 tự ý tháo dỡ thanh chắn an toàn hành lang đường bộ khu vực cầu Bậc Lở, xã Vĩnh Tân, H. Tuy Phong.
Theo ông Bùi Duy Anh, khi nhà hàng này xây dựng, lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ hồi năm 2018, cán bộ của Chi cục đã nhắc nhở, cảnh báo.
“Đợt này nếu nhà hàng Vĩnh Hảo 2 vẫn cố tình vi phạm hành lang an toàn đường bộ QL1, chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương tiến hành xử phạt, yêu cầu trả lại nguyên trạng các thanh chắn bảo vệ mà nhà hàng này đã tự ý tháo dỡ”, ông Bùi Duy Anh nói.
Những hành vi bị nghiêm cấm
Theo điều 8, luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, những hành vi bị nghiêm cấm có: Khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo trái quy định của pháp luật; Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và công bố; Thực hiện các hoạt động trong hành lang bảo vệ bờ biển quy định tại Điều 24… Theo điều 24 của luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, các hoạt động bị nghiêm cấm trong hành lang bảo vệ bờ biển, có: Xây dựng mới, mở rộng công trình xây dựng (trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và các công trình xây dựng khác phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển quyết định chủ trương đầu tư); Khoan, đào, đắp trong hành lang bảo vệ bờ biển; Lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang bảo vệ bờ biển; Hoạt động làm sạt lở bờ biển, suy thoái hệ sinh thái vùng bờ, suy giảm giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên...
DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên