UBND TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Tư pháp, các bộ ngành liên quan và Chính phủ cho phép nhà, đất ghi nợ tiền sử dụng đất được thế chấp phần giá trị còn lại của nhà, đất (ngoài số tiền được nợ). Theo UBND TP.HCM, qua thực tiễn cấp giấy chứng nhận và giải quyết ghi nợ tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận, số tiền được ghi nợ thường chiếm chưa đến 1/2 tổng giá trị nhà đất đó sau khi được cấp giấy chứng nhận và đưa ra giao dịch.
Thế nhưng, các văn bản hiện hành về ghi nợ tiền sử dụng đất đều quy định chỉ khi thanh toán xong tiền sử dụng đất thì chủ nhà, chủ sử dụng đất mới được thực hiện các giao dịch, trong đó có thế chấp nhà - đất. Quy định này làm vô hiệu luôn cả các quyền đối với phần giá trị đã bỏ ra để tạo lập nhà - đất đó trước khi được xét cấp giấy chứng nhận của người có nhà - đất ghi nợ. UBND TP.HCM cho rằng, nếu kiến nghị này được chấp thuận, khi nhận thế chấp, các ngân hàng và tổ chức tín dụng sẽ cân đối giữa tổng giá trị nhà đất thực tế và phần giá trị ghi nợ để tự xác định mức cho vay.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, hướng dẫn việc đăng ký giao dịch bảo đảm nhà - đất qua mạng internet để tạo thuận lợi cho người tham gia giao dịch.
Việc đăng ký giao dịch bảo đảm nhà - đất qua mạng internet đã được Trung tâm Thông tin tài nguyên - môi trường và Đăng ký nhà đất thành phố áp dụng thử nghiệm từ giữa năm 2004 đến giữa năm 2005, nhưng sau đó phải ngưng do Luật Giao dịch điện tử và Nghị định số 26/2007/NĐ - CP ngày 15.2.2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số lại không có quy định về loại hình đăng ký giao dịch bảo đảm nhà - đất qua mạng internet.