Người góp vốn chỉ được nhận một căn hộ?

Cập nhật 23/08/2010 08:45

Bên mua còn không được chuyển nhượng quyền sử dụng cho người khác...

Dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 71 quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Nhà ở đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến. Theo nhiều doanh nghiệp (DN), nếu một số quy định trong thông tư này đưa ra áp dụng thì thị trường bất động sản có nguy cơ “đóng băng”.

“Chia nhà kiểu bao cấp”


Một số nội dung tại Điều 7 của dự thảo khiến nhiều DN và các thành phần liên quan đến thị trường bất động sản lo ngại. Đó là các quy định về nhận sản phẩm khi góp vốn, hợp tác đầu tư với chủ dự án. Dự thảo quy định kể từ ngày 8-8, trong phạm vi một tỉnh, TP trực thuộc trung ương, mỗi hộ gia đình hoặc cá nhân khi tham gia góp vốn hoặc hợp tác đầu tư với chủ đầu tư chỉ được phân chia một căn nhà ở (nhà biệt thự, nhà riêng lẻ, căn hộ chung cư). Nhiều DN kinh doanh nhà đất cho rằng quy định này không khả thi vì người dân góp vốn mua nhà mà khi nhận sản phẩm cứ như thời bao cấp. Một số câu hỏi đặt ra: Sao luật lại hạn chế quyền mua nhà ở của người dân? Vì sao mỗi người lại chỉ được phép mua một căn nhà?

Ngoài ra, dự thảo còn quy định khi góp vốn, bên được phân chia nhà ở không được chuyển nhượng quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác. Nếu người được phân chia chết thì người thừa kế tiếp tục được hưởng.

Rối vì thêm công chứng


Theo Điều 19 của dự thảo, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức không có chức năng kinh doanh bất động sản khi chuyển nhượng hợp đồng góp vốn phải có chứng nhận của cơ quan công chứng.


Một số điểm trong dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 71 đang gây khó dễ cho thị trường bất động sản. Ảnh: HTD

Ý kiến DN cho rằng quy định phải thêm phần công chứng sẽ khiến giao dịch dân sự thêm rối vì trước nay việc mua bán được thực hiện rất gọn nhẹ. Cụ thể khi có nhu cầu chuyển nhượng nhà ở dạng góp vốn, người mua (tạm gọi B) chỉ cần cùng người bán (gọi là A) đến chủ đầu tư xin hủy hợp đồng cũ và ra hợp đồng mới. Trên hợp đồng mới chuyển tên từ A sang B. Hoặc chỉ cần chủ đầu tư thêm vào phụ lục hợp đồng góp vốn cũ, sau đó đi đóng thuế thu nhập cá nhân là xong.

Sẽ kiến nghị nhanh


Về nguyên tắc, dự thảo thông tư sẽ được lấy ý kiến rộng rãi nhưng đến nay nhiều DN bất động sản vẫn chưa được lấy ý kiến, dù trước đó Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam có văn bản đề nghị các sở Xây dựng góp ý và gửi về Bộ trước ngày 15-8.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thừa nhận một số quy định trong dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 71 còn nhiều bất cập, cần phải sửa đổi. Hiệp hội đang chuẩn bị lấy ý kiến DN phản ánh bất cập trong dự thảo để gửi gấp cho Bộ Xây dựng trước khi thông tư được ban hành.

Làm khó thị trường bất động sản

Quy định kể từ ngày 8-8, trong phạm vi một tỉnh, TP trực thuộc trung ương, mỗi hộ gia đình hoặc cá nhân khi tham gia góp… chỉ được chia một nhà ở là bất hợp lý, đi ngược với thông lệ quốc tế và ở góc độ nào đó đang làm khó thị trường bất động sản

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Tước quyền dân sự của người dân


Ví dụ tôi có hai người con. Hai người con của tôi chưa đủ tuổi để ký hợp đồng mua nhà ở với chủ đầu tư khi góp vốn. Vì thế theo lẽ thường tôi sẽ thay mặt con đứng tên trên hai hợp đồng góp vốn mua nhà này. Việc luật chỉ cho phép mỗi cá nhân mua một căn nhà ở là xem như tước quyền dân sự của người dân.

Ông Trương Đức Hiếu, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Công ty Bất động sản Hoàng Quân



DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP