Nhiều khu tái định cư nằm ở những nơi không thuận lợi, cơ sở hạ tầng, các dịch vụ tiện ích thiếu thốn khiến người dân quay lưng với các khu tái định cư.
Khu tái định cư Vĩnh Lộc B của TPHCM khá thưa vắng người thuộc diện tái định cư đến ở. Hiện tại một số người dân tại các chung cư cũ thuộc diện di dời theo chủ trương của TP.HCM cũng không muốn đến ở tại khu tái định cư. Nguyên nhân nào dẫn đến hiện trạng này?
Theo người dân, vị trí của khu TĐC nằm ở những nơi không thuận dẫn đến nghịch lý có nhà nhưng ít người dân đến ở.
Với diện tích hơn 30ha gồm 45 lô chung cư với gần 2.000 căn hộ và 559 nền đất, khu tái định cư Vĩnh Lộc B chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2011 với mục đích là nơi ở của hàng nghìn hộ dân nằm trong diện giải tỏa khu vực kênh Tham Lương và một số chương trình chỉnh trang đô thị của TP.HCM.
Tuy nhiên đến nay, khu tái định cư này vẫn thưa thớt người. Điều đáng nói, hiện trạng của nó đang xuống cấp nghiêm trọng và có dấu hiệu sụt lún, nứt vách… Lý giải cho hiện tượng trên, theo nhiều người dân, ngoài chất lượng công trình không đảm bảo thì khu tái định cư nằm xa trung tâm, giao thông đi lại bất tiện ảnh hưởng đến kế sinh nhai nên nhiều người ngại ở khu tái định cư.
Gia đình bà Ngọc Hằng, ngụ tại lô C6 Khu tái định cư Vĩnh Lộc B hơn 3 năm nay, có cuộc sống khó khăn do không thể kiếm được việc làm. Bà Hằng mở quán ăn, hàng nước nhưng chỉ được thời gian ngắn phải dẹp tiệm vì không có khách.
“Lên đây không làm gì được, ăn ở không, mở quán nước ra bán cũng dẹp vì vắng khách, trước kia ở dưới có việc làm ổn định, bây giờ ăn không ngồi rồi, mượn nợ để sống”, bà Hằng chia sẻ.
Tuy mới đưa vào sử dụng nhưng một số nơi tại khu TĐC Vĩnh Lộc B đã có dấu hiệu xuống cấp.
Tương tự gia đình bà Hằng, để thực hiện dự án cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (quận Bình Tân), gia đình bà Ngô Thị Bé cùng một số hộ dân chuyển lên cư ngụ tại khu tái định cư này từ tháng 5/2016.
Bà Bé cho biết, ngày trước ở nơi cũ bà còn có thu nhập nhưng khi sinh sống ở khu tái định cư thì khó khăn hơn rất nhiều do không thể kinh doanh. Cả 3 thế hệ với 9 con người tất cả đều phụ thuộc vào thu nhập từ nghề phụ hồ của chồng.
“Ngày trước ở nơi cũ dưới đó còn đủ ăn, lên đây không làm ăn gì được, trước bán vé số được 200.000 đồng bây giờ bán không được 50.000 đồng, ở nhà giữ cháu, thu nhập phụ thuộc vào chồng đi phụ hồ (phụ xây) bữa được, bữa không”, bà Ngô Thị Bé cho hay.
Trước thực trạng của những khu tái định cư đang xuống cấp, nhiều người dân thuộc các chung cư cũ buộc phải di dời để cải tạo cũng cảm thấy e ngại. Ông Nguyễn Anh Đức (chung cư 155 - 157 Bùi Viện, Quận 1) cho biết, sẽ tìm phòng trọ ở tạm trong thời gian chờ cải tạo lại chung cư chứ không muốn lên khu tái định cư vì xa, ảnh hưởng đến công việc và học tập của con em.
“Di dời thì nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà. Nếu không thuê nhà thì xuống KTĐC Vĩnh Lộc B để ở. Dưới đó chật chội, con cái học hành đi xa, hơn nữa chất lượng nhà ở không tốt nên mọi người không đồng ý”, ông Đức nói.
Trước hiện trạng các khu tái định cư tại TP.HCM thưa thớt người ở, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài vị trí của một số khu tái định cư nằm ở những nơi không thuận lợi thì cơ sở hạ tầng và các dịch vụ tiện ích thiếu thốn chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều người dân quay lưng với các khu nhà tái định cư của TPHCM./.
DiaOcOnline.vn – Theo VOV