Người dân phải tự bảo vệ dù văn bản sai?!

Cập nhật 28/02/2014 09:12

Một quy định sai giúp doanh nghiệp thu lợi cả chục ngàn tỷ đồng, dân mất tiền oan. Trách nhiệm này thuộc về ai khi văn bản pháp luật đã ban hành không có khả năng hồi tố?

Doanh nghiệp thu lợi nghìn tỷ

Mất nhiều tiền nhất có lẽ là cư dân Keangnam (Mễ Trì, Từ Liêm), bà Trịnh Thúy Mai, chủ căn hộ ở Keangnam cho biết cư dân đã phải trả tiền tới hơn 30m2 diện tích cột và hộp kỹ thuật do chủ đầu tư áp vào. Với một chung cư cao cấp như Keangnam thì hơn 30m2, người dân đã phải trả khoảng 1,5 tỉ đồng, một khoản tiền bằng mua thêm được một chung cư bình dân.

Bà Lê Xuân Hoa, cư dân Keangnam bức xúc sau gần 3 năm mới được nói lên quyền lợi của mình “Thông tư 03 có nói đối với các hợp đồng đã ký trước đó thì theo thỏa thuận của người dân. Nếu những diện tích thuộc sở hữu chung thì không được bán cho người dân, tại sao lại không trả lại tiền cho người dân. Khi anh đã bán một cái không được bán, nhẹ nhất thì phải hoàn tiền, nặng hơn thì hợp đồng đó phải hủy bỏ. Mỗi căn hộ mất 1 tỉ đồng thì 900 căn hộ thì mất tới 900 tỉ đồng.

Dân Keangnam mất cả tỷ đồng vì tiền cột, hộp trong nhà

3 năm qua, đã có hàng trăm dự án bán hàng trong đó phần lớn các chủ đầu tư đều ký hợp đồng theo phương pháp tính diện tích thông thủy cộng thêm phần nhập nhèm về sở hữu chung riêng đã khiến doanh nghiệp thu lợi đút túi cả vài nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật nói “Bộ Xây dựng đã tranh thủ Thông tư 16 để ban hành thêm cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư. Chủ đầu tư thì làm một hợp đồng ký sẵn, người mua muốn mua thì tự ký vào, không ký thì thôi. Nhiều hợp đồng nội dung loạn hết cả lên, chỗ ghi theo diện tích thông thủy, chỗ ghi theo diện tích tim tường. Tùy tiện tới mức diện tích có thể ghi 100 m, có thể ghi 90 m”- ông Cương nhận xét.

Người dân phải tự tìm cách bảo vệ quyền lợi của mình?

Doanh nghiệp tư lợi, tiền dân mất oan nhưng lãnh đạo Bộ Xây dựng lại khẳng định Thông tư 16 không bắt buộc bên bán và bên mua căn hộ chung cư phải tính diện tích sàn căn hộ theo kích thước tim tường mà đã hướng dẫn hai cách tính để các bên thỏa thuận (cách tính diện tích từ tim tường và cách tính kích thước thông thủy - diện tích sử dụng thực tế), đơn giá bán nhà theo hai phương pháp tính cũng do thỏa thuận giữa hai bên, Nhà nước không áp đặt giá bán nhà ở thương mại, vì đây là giao dịch dân sự.

“Bản thân mỗi doanh nghiệp, người dân cũng có thói quen bảo vệ quyền lợi của mình. Các hợp đồng sai trái thì chúng ta phải để tòa án hình sự, dân sự, hành chính giải quyết, xử lý thôi”- Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đặng Trần Nam nói.

Điều này có nghĩa, để đòi lại quyền lợi của mình thì các khách hàng chỉ còn cách nhờ đến Tòa án.

Tuy nhiên, theo Luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng văn phòng luật BQH thuộc Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, văn bản ban hành sai, gây thiệt hại đến quyền lợi người dân thì phải thu hồi lại.

" Khi ấy, những trường hợp trước đây mua nhà tính diện tích theo nguyên tắc tim tường sẽ được trả lại tiền đã thanh toán cho phần diện tích lẽ ra không phải nộp. Người trả có thể là chủ đầu tư nếu còn tồn tại hoặc Nhà nước phải đứng ra trả lại quyền lợi cho dân. Quan trọng nhất, người dân phải chứng minh được bị thiệt hại như thế nào. Với những trường hợp đã ký hợp đồng mua bán nhưng chưa nhận nhà, phải đàm phán, ký lại hợp đồng mua bán từ đầu. Chủ đầu tư phải tính diện tích theo nguyên tắc thông thủy. Khi ấy, diện tích căn hộ sẽ bị giảm so với tính theo tim tường thì có thể nâng giá bán để đảm bảo quyền lợi. Trường hợp không ký lại hợp đồng mua bán, người mua nhà phải được trả đủ số tiền đã đóng trước đấy”, ông Hưng phân tích.


DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia