Nghịch lý gói ưu đãi 30.000 tỉ đồng

Cập nhật 31/10/2013 08:46

Ngày 29.10, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết hiện TP còn tồn khoảng hơn 10.000 căn hộ, chủ yếu là những căn hộ có diện tích lớn hơn 70 m2.

Gói 30.000 tỉ đồng hiện đang triển khai rất chậm - Ảnh: Đ.S

Tuy nhiên, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng chỉ hỗ trợ vay vốn mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2. Điều này đã hạn chế việc giải quyết hàng tồn đọng bất động sản thời gian qua.

“Nhu cầu về nhà ở hiện nay của đối tượng thu nhập thấp và trung bình còn rất lớn, nhưng thị trường thiếu các sản phẩm có giá bán phù hợp khả năng thanh toán của người dân. Vì vậy thị trường tồn đọng nhiều nhưng đối tượng thu nhập thấp và trung bình thì không mua được nhà”, ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng, cho biết.

Theo ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tại TP.HCM tính đến ngày 15.10, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng mới tiếp cận được 179 khách hàng cá nhân với số tiền 103 tỉ đồng, hiện đã giải ngân được 31 tỉ đồng và chưa có doanh nghiệp nào được vay. Tình trạng chậm là vì nguồn vốn chủ yếu của gói tín dụng này là của ngân hàng thương mại  nên khi cho vay, ngân hàng rất thận trọng trong việc xét duyệt các tiêu chí để đảm bảo khả năng trả nợ. Hầu hết những hồ sơ đã giải ngân được là ngân hàng tin tưởng vào uy tín của chủ đầu tư, uy tín của khách hàng chứ pháp luật hiện nay chưa cho phép khách hàng được thế chấp căn hộ hình thành trong tương lai. Trong khi các phòng công chứng không công chứng đối với căn hộ hình thành trong tương lai nên ngân hàng  không có cơ sở cho vay.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết hiện TP mới duyệt cho 3 dự án chuyển từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội và chưa có dự án nào chẻ nhỏ căn hộ được duyệt vì làm tăng dân số, không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội. Bài toán đặt ra là, làm sao vừa giải quyết được nhu cầu trước mắt, giải phóng lượng hàng tồn kho nhưng phải đảm bảo các yếu tố về hạ tầng, không làm tăng dân số cục bộ. Nếu không khéo sẽ chuyển từ tồn kho nhà thương mại sang tồn kho nhà ở xã hội.

Để đẩy nhanh giải ngân gói 30.000 tỉ đồng, UBND TP kiến nghị Chính phủ cho vay gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đối với căn hộ có diện tích trên 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 nhưng chỉ cho vay lãi suất ưu đãi đối với phần diện tích dưới 70 m2, phần diện tích vượt không cho vay. Lãi suất giảm 6% xuống còn 3% và tăng thời gian vay lên 15 năm. Cho thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai để ngân hàng cho vay dễ dàng hơn.  TP cũng kiến nghị giảm thuế GTGT đối với người mua nhà lần đầu...

Ông Phạm Trung Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, cho rằng TP.HCM và Hà Nội là hai địa phương lớn nhưng triển khai rất chậm. Hầu hết nguồn vốn giải ngân từ gói 30.000 tỉ đồng thời gian qua lại tập trung ở các địa phương khác. Phấn đấu làm sao mỗi địa phương phải được từ 10.000 - 12.000 tỉ đồng. Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết, đang xin Chính phủ kéo dài gói hỗ trợ và sắp tới sẽ sửa Thông tư 07, theo hướng cán bộ công chức mua nhà xã hội sẽ không cần chứng minh thu nhập, chỉ một số đối tượng phải xác nhận tại nơi làm việc.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Nien