Nếu mọi chuyện thuận lợi, cuối năm 2014 sẽ xong!

Cập nhật 26/04/2013 11:29

Theo ông Lê Công Minh, tổng giám đốc cảng Sài Gòn, nhằm đẩy nhanh tiến độ di dời cảng Sài Gòn ra khu vực cảng Sài Gòn – Hiệp Phước vốn đã thực hiện chậm so với kế hoạch đề ra, vừa qua, đơn vị ông đã kiến nghị hàng loạt các biện pháp tháo gỡ đến các cơ quan liên quan, cụ thể là bộ Giao thông vận tải, bộ Tài chính và Chính phủ.

Một góc cảng Sài Gòn hiện nay. Ảnh: L.H.T

“Nếu các kiến nghị của chúng tôi được thông qua, tôi cam đoan đến cuối năm 2014, cảng Sài Gòn sẽ hoàn tất việc di dời ra khu vực cảng Sài Gòn – Hiệp Phước (thuộc huyện Nhà Bè)”, ông Minh khẳng định.

* Cụ thể những kiến nghị để đẩy nhanh tiến độ di dời cảng là gì, thưa ông?

Các kiến nghị của chúng tôi chủ yếu là tập trung vào việc tìm kiếm vốn để đẩy nhanh tiến độ di dời. Cụ thể, chúng tôi kiến nghị Chính phủ bảo lãnh cho vay vốn, hoặc chỉ định ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay với lãi suất ưu đãi do dự án đầu tư cảng biển là đầu tư hạ tầng, nên thời gian hoàn vốn kéo dài; nếu căn cứ vào dòng tiền của dự án, thì rất khó thu xếp được vốn vay của ngân hàng thương mại. Đồng thời, chúng tôi cũng kiến nghị kéo dài thời gian hỗ trợ lãi vay đến khi dự án đưa vào khai thác.

Chúng tôi đề nghị bộ Tài chính tiếp tục cho cảng Sài Gòn ứng vốn ngân sách 286 tỉ đồng ngay trong năm 2013, hoặc trình Chính phủ bảo lãnh cảng Sài Gòn vay vốn để hoàn thành các hạng mục dở dang, chống xuống cấp công trình, trả nợ các nhà thầu, mua nền tái định cư cho các hộ dân.

Chúng tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ và bộ Tài chính xem xét cho cảng Sài Gòn được tạm ngưng trả nợ khoản vay ODA với số tiền đang trả nợ hàng năm là 1.086.750 USD, trong đó gốc là 942.950 USD và lãi là 143.800 USD trong thời gian ba năm để cảng Sài Gòn tạm thời sử dụng nguồn vốn này của dự án “Cải tạo và nâng cấp cảng Sài Gòn” vào việc thực hiện dự án di dời cảng Sài Gòn – Hiệp Phước trong thời gian tìm kiếm thêm các nguồn vốn khác.

* Những kiến nghị trên đã có phúc đáp từ các cơ quan liên quan?

Hôm trước, bộ Giao thông vận tải có chủ trì cuộc họp liên quan đến việc di dời cảng Sài Gòn. Tại cuộc họp, tôi có nói rõ và nói chung là bộ Giao thông vận tải ủng hộ. Đó là tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, để đi đến quyết định cuối cùng, còn phụ thuộc bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và kể cả các địa phương. Một động thái nữa là bộ Giao thông vận tải đã có các văn bản đề nghị bộ Tài chính, Chính phủ và chính quyền TP.HCM hỗ trợ cho cảng Sài Gòn trong vấn đề di dời cảng.

Có lần ông đã đề cập là sẽ đưa vào sử dụng trước 200m cầu cảng Sài Gòn – Hiệp Phước để tránh lãng phí. Vậy hiện nay đã đưa vào sử dụng chưa?

Đúng là chúng tôi đã kiến nghị việc này, và hiện tại chúng tôi đã xin cục Hàng hải cho khai thác tạm và đã liên hệ để xin được giấy phép khai thác tạm ở các đơn vị liên quan như: hải quan, biên phòng… nhưng hiện nay có khó khăn là nó không có đường vào. Đường D3 – đường dẫn vào cảng, chưa xây dựng, nên việc khai thác nó cũng tương đối khó khăn.

* Vì sao đường D3 dẫn vào cảng bị ì suốt một thời gian dài?

Liên quan đến tuyến đường D3 dẫn vào cảng Sài Gòn – Hiệp Phước, trước đây, TP.HCM giao cho cảng Sài Gòn tạm ứng nguồn vốn, thế nhưng, hai năm vừa rồi, cảng không xin được nguồn vốn tạm ứng. Cho nên, bây giờ, cảng Sài Gòn đang kết hợp với TP.HCM sau khi chính quyền thành phố quan tâm nhiều đến việc phát triển ở khu Nam như cảng và đô thị. Vừa rồi, chúng tôi cũng có văn bản đề xuất phương án đối với TP.HCM: thành phố đứng ra ứng trước vốn và làm chủ đầu tư, chọn nhà đầu tư nào đó xây dựng con đường đó, và sẽ kết hợp với cảng Sài Gòn để xin đưa vào nguồn chuyển đổi công năng của cảng sau khi di dời. Nhìn chung, TP.HCM ủng hộ phương án này. Theo đó, nếu thuận lợi thì đến tháng 10.2013 sẽ khởi động lại dự án đường D3.

* Cảng Sài Gòn còn có cách nào để đẩy nhanh tiến độ di dời, thưa ông?

Thực ra, gần đây cũng loé lên một tia hy vọng là các nhà đầu tư trong việc chuyển đổi công năng của cảng Sài Gòn đã bắt đầu có sự khởi động. Có nhà đầu tư hứa là khi đã chọn được nhà đầu tư rồi, thì nhà đầu tư này sẽ tạm ứng vốn trước để hoàn thiện lại, nhưng hoàn thiện một phần thôi. Chẳng hạn như trước đây đã hoàn thiện 200m cầu cảng, ba cái cần cẩu rồi, thì bây giờ họ tiếp tục đầu tư cho mình 400m cầu còn lại với các hệ thống kho bãi nữa là xong.

* Hiện vẫn chưa có quy hoạch 1/500, như vậy, liệu có thu hút được nhà đầu tư?

Hiện tại khu vực cảng Sài Gòn mới có quy hoạch tổng thể 1/2000. Nếu chúng tôi kêu gọi được nhà đầu tư, thì cả hai bên sẽ cùng tiến hành quy hoạch chi tiết 1/500. Điều này không khó thực hiện.

* Dự định của cảng Sài Gòn sẽ biến khu vực cảng Sài Gòn sau khi di dời thành các cao ốc và trung tâm thương mại?

Quy hoạch tổng thể nó là như vậy. Nhưng ở đây hệ số sử dụng đất để xây dựng cao ốc hay trung tâm thương mại rất thấp, khoảng chừng 30 – 40% trên tổng diện tích, nên chủ yếu mặt bờ sông sẽ dành cho không gian công cộng.

Việc chậm di dời có đẩy cảng Sài Gòn – Hiệp Phước vào thế “trâu chậm uống nước đục” hay không, bởi vì, luồng Soài Rạp đang được nạo vét để đón tàu có tải trọng lớn?

Nhìn chung cũng không có gì phải mất, bởi vì, thực tế khi dời cảng Sài Gòn về khu vực cảng Sài Gòn – Hiệp Phước thì toàn bộ hàng hoá ở cảng Nhà Rồng – Khánh Hội (thuộc cảng Sài Gòn) cũng chuyển qua thôi.

* Nhưng mình sẽ khó thu hút tàu mới vì họ sẽ cập cảng khác, thưa ông?

Hiện nay, trên sông Soài Rạp, chỗ Hiệp Phước đã có một cảng container lớn rồi, và khi nạo vét luồng thì cảng này có khả năng làm hàng container. Còn cảng Sài Gòn – Hiệp Phước xây dựng theo tiêu chí là cảng tổng hợp: hàng rời, hàng bao, hàng bách hoá, trang thiết bị… thì nó lại là một mảng khác. Cho nên, khi nó ra đời, tôi nghĩ cũng không có gì là cạnh tranh nhiều lắm.

Mới hoàn thành 38% khối lượng công trình

Dự án đầu tư cảng Sài Gòn – Hiệp Phước phục vụ việc di dời khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội (đơn vị chủ quản là cảng Sài Gòn) có tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 2.700 tỉ đồng do công ty cổ phần cảng Sài Gòn – Hiệp Phước làm chủ đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép đầu tư dự án tại văn bản số 1603/TTg-CN ngày 10.10.2006 và thẩm định thiết kế cơ sở của bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 7712/BGTVT-KHĐT ngày 10.12.2006. Đến nay, dự án đã hoàn thành 38% khối lượng. Các hạng mục đã hoàn thành và các thiết bị được lắp đặt như: cầu tàu số 3 (dài 200m), hai bến phao 30.000 DWT, ba cầu vạn năng, sáu gàu ngoạm, ba phễu. Các hạng mục công trình đang dở dang thi công bao gồm: cầu tàu số 2 (dài 400m) với khối lượng đạt 60%; xử lý nền với khối lượng đạt 70%; kho hàng rời với khối lượng đạt 34%.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị