Nên tiếp tục thực hiện 223 dự án cao tầng trong nội đô Hà Nội?

Cập nhật 03/07/2010 14:20


Không nên tiếp tục chất tải vào Hà Nội cũ vốn đang quá tải về hạ tầng. Ảnh: Trường Sơn
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc cho hơn 200 dự án công trình xây dựng nhà cao tầng tại 4 quận nội thành được tiếp tục xây dựng.

Trước đề nghị đó, nhiều kiến trúc sư và chuyên gia đã bày tỏ mối quan ngại về áp lực lên hạ tầng xã hội và không gian kiến trúc nội đô vốn đã có nhiều khiếm khuyết.

Thay đổi chóng mặt

Ngày 9.12.2009, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc dừng xây dựng các tòa nhà cao tầng ở khu vực trung tâm thành phố. Ngay sau đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu dừng các dự án xây nhà cao tầng trong nội thành. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, UBND TP lại có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nới lỏng “lệnh cấm” với lý do trước thời điểm ngày 9.12.2009, nhiều nhà cao tầng ở khu vực trung tâm đang được triển khai thực hiện, “nếu dừng lại không cho triển khai thực hiện sẽ gây lãng phí, thiệt hại không nhỏ về tài chính và phát sinh phức tạp xã hội...”.

Gần nhất, ngày 11.6 vừa qua, trong văn bản 4280, gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội kiến nghị cách giải quyết đối với 223 dự án công trình cao tầng tại 4 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Đống Đa. Theo đó, UBND TP kiến nghị, các dự án công trình cao tầng đã được cấp phép xây dựng, chưa thi công; đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và quy mô công trình, chỉ tiêu quy hoạch kinh tế; đã được thỏa thuận quy hoạch và phương án kiến trúc; đã hoàn tất các thủ tục về đất đai, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; đang thực hiện các thủ tục để triển khai xây dựng thì được tiếp tục triển khai.

Với Hà Nội mở rộng thênh thang như thế này không thiếu gì chỗ để xây dựng Hà Nội hiện đại ở những khu vực khác, hãy "tha" cho Hà Nội cũ đang quá tải

GS-TS Đặng Hùng Võ

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội, chủ trương về xây dựng nhà cao tầng trong nội đô đã được xác định từ cách đây 12 năm bằng quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng năm 1998 là: “Hạn chế chiều cao các công trình xây dựng mới trong khu phố cũ và chỉ bố trí các công trình cao tầng ở vị trí thích hợp. Từ đó, trên địa bàn thành phố cũng đã hình thành quy hoạch về độ cao tại những khu vực nhất định. Chẳng hạn như, xây dựng nhà xung quanh hồ Gươm chỉ cao không quá 16m, khu vực Tràng Tiền là 24m và vào sâu bên trong là 32m để không vượt qua chiều cao của Nhà hát lớn. Khu vực phố cổ thì ngoài mặt đường không được xây nhà cao hơn 12m, sâu bên trong chỉ được cao dưới 24m..., việc giải quyết trên 200 dự án xây dựng cao tầng tại 4 quận nội thành Hà Nội, theo tôi, trước hết phải tiến hành rà soát lại cụ thể về vị trí, quy mô từng công trình, rồi áp vào quy chuẩn quy hoạch chiều cao đã được quy định để đưa ra quyết định. Dự án nào được cấp phép tại vị trí hợp lý theo quy hoạch và phù hợp về chiều cao thì cho triển khai tiếp. Nếu dự án nào không hợp lý thì dù đã được phê duyệt rồi nhưng chưa xây dựng hoặc đang dở dang thì ta cũng phải kiên quyết đảm bảo quy định về chiều cao, tức là dừng lại hoặc phải cắt “ngọn”. Vấn đề là phải đặt quy hoạch không gian chiều cao lên làm nguyên lý chứ không phải đặt vấn đề đã triển khai thủ tục hành chính đến đâu để làm tiêu chí quyết định cho tiếp tục triển khai dự án đó nữa hay là không”.

Tạo tiền lệ xấu


Theo kiến trúc sư Ngô Huy Giao, giới chuyên môn đã rất đồng tình khi Thủ tướng quyết định dừng xây nhà cao tầng tại khu vực nội đô Hà Nội. “Đây là những quyết định hết sức sáng suốt và đúng đắn nhằm làm giảm áp lực lên hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng thời góp phần làm đẹp không gian kiến trúc nội đô”, ông Giao nói. Cũng theo ông Giao: “Việc dồn các nhà cao tầng vào nội đô quá nhiều sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Hạ tầng đô thị bị quá tải khiến giao thông ùn tắc, mất vệ sinh, hạn chế khả năng thoát nước... Quá nhiều nhà cao tầng mọc lên trong khi chúng ta chưa có thiết kế đô thị hợp lý sẽ phá hoại không gian kiến trúc của khu vực đó”.

PGS-TS KTS Trần Trọng Hanh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng, sau 12 năm thực hiện quy hoạch khu hạn chế phát triển tính từ vành đai 2 trở vào nội thành do Thủ tướng phê duyệt thì số lượng trường học, bệnh viện, nhà cao tầng... tại đây không giảm mà ngày càng gia tăng. “Tình trạng phát triển thiếu trật tự kiến trúc vẫn diễn ra, anh nào kiếm được một mặt bằng, thì cứ xin xây cao tầng, thiếu định hướng xây dựng cảnh quan đô thị, thiết kế đô thị”, ông Trần Trọng Hanh nói.

PGS-GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường thì khẳng định, kiến nghị của Hà Nội “không ổn”, ở chỗ tạo ra tiền lệ là cứ lệnh xuống xong rồi lại trình lên xin điều chỉnh. Ông Võ khẳng định: nếu tiếp tục cho phép hoặc cho triển khai xây dựng nhà cao tầng trong nội đô thì chắc chắn đi ngược lại mục tiêu quy hoạch vùng thủ đô đặt ra, đó là giãn mật độ dân cư ra các đô thị vệ tinh.

KTS Trần Huy Ánh, Hội viên Hội KTS Việt Nam phân tích: “Đồ án xây dựng quy hoạch vùng Hà Nội đưa ra lộ trình di dời khoảng 4 vạn dân nội đô ra ngoài, và việc đề xuất tiếp tục tăng diện tích sàn ở khu vực nội thành có vẻ đi ngược mục tiêu đó”.

Nếu tiếp tục xây dựng các dự án cao tầng trong nội đô sẽ tăng thêm sức ép của đô thị nén. Chính Chủ tịch UBND TP Hà Nội, vốn là một kiến trúc sư từng đưa ra nguyên tắc đô thị nén đến mức quá tải thì phải phình ra, để thuyết phục phải mở rộng Hà Nội. Giờ nếu chất tải tiếp tục ở bên trong thì đi ngược lại chính những cái gọi là nguyên lý, nguyên tắc đó.

Nội đô Hà Nội vốn quy hoạch cho 25 vạn dân, hiện con số này đã gấp 4 lần, trong khi đô thị hóa không làm thêm một mét cống nào, đường cũng chẳng mở rộng được bao nhiêu.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên