Nan giải đòi hành lang bị “đánh cắp”

Cập nhật 20/07/2010 11:10

Một kế hoạch chấn chỉnh hành lang an toàn giao thông được đề ra với chi phí hàng chục tỉ đồng nhưng hành lang này vẫn bị “đánh cắp”.

Theo Ban An toàn giao thông TP.HCM, trên địa bàn TP đang tồn tại nhiều điểm đen về tai nạn giao thông, trong đó nguyên nhân chính là do việc lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ. Trong danh sách đen về tai nạn giao thông cũng ghi nhận nhiều vị trí trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn các quận Thủ Đức, 12, Bình Tân và huyện Bình Chánh...

Đầu tư tiền tỉ rồi... hạn chế tốc độ

Tùy theo vai trò, chức năng của từng cấp đường cụ thể (quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ hoặc đường đô thị) mà các con đường có những tiêu chuẩn thiết kế phù hợp. Những tuyến đường không đạt các tiêu chuẩn sẽ được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Như quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc có tổng chiều dài gần 14 km đã được đầu tư khoảng 800 tỉ đồng để mở rộng thành 29 m cho sáu làn xe cơ giới, hai làn xe thô sơ. Tương tự, quốc lộ 1A đoạn từ quận Thủ Đức về đến ngã tư An Sương (quận 12) cũng được đầu tư hàng trăm tỉ đồng để mở rộng.

Theo quy hoạch, đoạn đường huyết mạch dài chừng 35 km thuộc dự án đường xuyên Á này sẽ kết nối vào các trục giao thông quan trọng khác là đại lộ Đông Tây và đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Tuy nhiên, do tình trạng “nhà ôm đường” khiến đoạn quốc lộ 1A này đã trở thành đường đô thị. Tại các khu công nghiệp từ Sóng Thần đến Linh Trung, hình ảnh chiếc xe đạp được vác leo qua dải phân cách ở các tuyến quốc lộ rất thường xảy ra. Tại nhiều đoạn của quốc lộ 1A này đã được lắp dải phân cách cao quá vai người nhưng vẫn không ngăn được dòng người băng ngang đường.


Quyết định 6892/1995 của UBND TP.HCM xác định khoảng cách vỉa hè trên quốc lộ 22 là 6 m nhưng hành lang an toàn này đã bị xâm lấn bất chấp các biển báo. Ảnh: MP

Thực trạng trên đã khiến tốc độ lưu thông tối đa trên tuyến quốc lộ 1A này chỉ đến 50 km/giờ, tương ứng với tốc độ tối đa của xe cơ giới trong đô thị. Trong khi đó, như đã nêu, nhà nước đã phải đầu tư hàng trăm tỉ đồng để mở rộng và xây dựng hệ thống cầu vượt trên đoạn đường này nhằm nâng cao năng lực thông xe, giảm thiểu ách tắc và tai nạn giao thông.

Nan giải chuyện tái lập trật tự


Tại Quyết định 1856/2007, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương cưỡng chế giải tỏa những công trình tái lấn chiếm, xây dựng trái phép trong hành lang an toàn, hoàn thiện mốc chỉ và bảo vệ mốc lộ giới. Điều 40 Nghị định 11/2010 cũng nêu rõ UBND cấp huyện và Sở Giao thông Vận tải địa phương phải có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý những trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn. Ngoài ra, UBND cấp huyện phải cưỡng chế các công trình đã xây dựng trái phép vi phạm hành lang an toàn.

Ông Đoàn Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết: Huyện đang tổ chức cưỡng chế những trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ thuộc dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Những vi phạm này đã rõ và việc thực hiện khá đơn giản nhưng còn việc xử lý nhiều công trình, nhà dân nằm trong hành lang an toàn đường bộ dọc theo quốc lộ 1A qua huyện đã tồn tại nhiều năm qua phức tạp hơn nhiều.

“Việc giải tỏa phải kết hợp với những dự án cải tạo, nâng cấp đường hoặc chỉnh trang đô thị. Huyện Bình Chánh đang soạn thảo kế hoạch, trình UBND TP xin phép chỉnh trang dọc hai bên quốc lộ 1, qua đó tái lập hành lang an toàn giao thông theo đúng quy định. Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn kinh phí phục vụ việc bồi thường, giải tỏa” - ông Nhật nói.

Nhận xét chung về việc tái lập trật tự hành lang an toàn đường bộ, Ban An toàn giao thông TP.HCM cho hay phần lớn các kế hoạch hiện vẫn án binh bất động mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí thực hiện.

Trách nhiệm chính vẫn ở địa phương

Hiện Chính phủ chưa đủ kinh phí để bồi thường, giải tỏa triệt để ở phạm vi hành lang an toàn đường bộ. Những hộ dân sống trong hành lang này vẫn được hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không được xây mới, cơi nới gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Tuy vậy, ở nhiều nơi đã thực hiện công tác bồi thường, giải tỏa lại xảy ra tình trạng tái lấn chiếm hành lang an toàn nhưng địa phương chưa xử lý được.

Tới đây, các tuyến đường xây dựng mới sẽ được giám sát thực hiện theo quy chuẩn, tức các đường quốc lộ, đường cao tốc phải có đường gom, hàng rào bảo vệ. Các tuyến đường còn lại chưa xử lý được thì chỉ có thể từng bước thiết lập lại trật tự. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý đất hành lang an toàn đường bộ thuộc về chính quyền địa phương, ngành giao thông chỉ là đơn vị phối hợp thực hiện.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT (phát biểu tại kỳ họp Quốc hội tháng 6-2010)

Chỉ để nhờ một số vật dụng?


Do mặt bằng chật hẹp nên chúng tôi phải để nhờ một số vật dụng, đồ đạc trên hành lang an toàn đường bộ của quốc lộ 22. Dọc theo tuyến quốc lộ này, nhiều nhà đã xây bục dẫn xe dẫn từ nhà ra đường, nhiều hàng quán bày bán sát mép đường mà có thấy ai nói gì đâu. Tôi còn thấy nhiều cây xăng dọc quốc lộ 1A, 22 nằm quá gần lề đường, mỗi khi xe ra vào đổ xăng thường gây ách tắc giao thông. So với chúng tôi, những vi phạm này nghiêm trọng hơn nhưng có bị buộc giải tỏa ngay đâu.

Chủ một tiệm làm nghề sắt ở gần ngã tư Trung Chánh (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM)


>> Đường đến đâu, nhà “bâu” đến đó


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP