Nan giải chuyện nhà trên sông, rạch

Cập nhật 19/01/2011 14:10

Bến Ninh Kiều, TP Cần Thơ, nét đô thị đặc trưng của vùng sông nước ĐBSCL.
Tại Cần Thơ vừa diễn ra hội thảo với chủ đề "Vai trò của hệ thống sông, rạch trong đô thị vùng ĐBSCL". Qua đó, các đại biểu đã có nhiều ý kiến nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của hệ thống sông, rạch trong đô thị vùng ĐBSCL, trong đó thừa nhận, sông, rạch đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển bền vững.

Hiện các đô thị ở vùng ĐBSCL như TP Cần Thơ, TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), TP Long Xuyên (tỉnh An Giang), TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu)… mỗi địa phương có hàng nghìn đến trên chục nghìn ngôi nhà trên sông, rạch tại các quận, phường nội thị. Thực trạng nhếch nhác, ô nhiễm môi trường, lấn chiếm sông, rạch… khiến bộ mặt đô thị vùng sông nước trở nên lem luốc, mang nhiều gam màu tối.

Ông Mai Như Toàn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ cho rằng, để giữ nét đặc trưng đô thị vùng sông nước, vấn đề tiên quyết phải giải quyết là trả lại sự thông thoáng của hệ thống sông rạch. Hiện nay, ở Cần Thơ có hàng nghìn ngôi nhà trên sông rạch, đặc biệt là ở các rạch Cái Khế, Rạch Tham Tướng… của quận trung tâm Ninh Kiều.

Thời gian qua, thành phố đã từng bước giải quyết vấn đề này thông qua các dự án như dự án nâng cấp đô thị. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm phải cần có đề án riêng mới trả lại sự thông thoáng cho hệ thống sông, rạch.

Trong đề án này phải thực hiện đồng bộ với việc giải quyết nhà ở xã hội. Đó là vấn đề giải tỏa cho những hệ thống sông, rạch ở khu đô thị cũ, đang bị lấn chiếm, quá tải.

Với những đô thị mới, phải cân nhắc và thận trọng khi san lấp kênh rạch. "Hạn chế tối đa việc san lấp hoặc kiên quyết giữ lại nguyên vẹn kênh rạch trong các khu đô thị mới, đồng thời trong các phương án quy hoạch mới, không có chuyện san lấp kênh rạch, mà còn tạo thêm các hồ điều tiết vừa tạo cảnh quan, vừa giữ nước vừa thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Qua đó sẽ giữ được nét đặc thù đô thị vùng sông nước" - ông Mai Như Toàn cho biết.

Các đại biểu thống nhất cho rằng vai trò của hệ thống sông, rạch trong đô thị vùng ĐBSCL là yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến giá trị, tính ổn định môi trường sống đô thị và đặc biệt là tính bền vững của phát triển đô thị. Do đó, không chỉ chính quyền các địa phương trong vùng, mà cả người dân phải chung sức xây dựng và giữ gìn những giá trị truyền thống đặc sắc và giá trị thiên nhiên của vùng.

Theo ông Lê Hồng Phát - Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, phải quan tâm giữ gìn cảnh quan sông rạch tự nhiên, cây xanh trong đô thị trên cơ sở đó các dự án, các đồ án quy hoạch đều phải đảm bảo và vượt chỉ tiêu đất cây xanh theo quy định, đồng thời các kênh rạch luôn được đặc biệt cân nhắc xem xét, giữ lại và cải tạo.

KTS Khương Văn Mười, lưu ý khi đô thị phát triển một cách dày đặc thì điểm quý giá nhất trong đô thị là những không gian mở. Và đối với đô thị sông nước đó là những không gian mở của dòng sông và ven sông.

"Đặc trưng của vùng đồng bằng về kiến trúc cảnh quan là hình ảnh của những dòng sông, con rạch, mặt nước, cây xanh, hình ảnh con đò. Cảnh mua bán trên sông, và không gian hai bên bờ là không gian mở quý báu với những sinh hoạt công cộng phong phú và hấp dẫn. Việc khai thác dòng sông và không gian hai bên bờ đã mang lại những nét độc đáo cho hình ảnh đô thị" - KTS Khương Văn Mười phát biểu.

DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân