Hà Nội vừa đề xuất Chính phủ hàng loạt biện pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm
UBND thành phố Hà Nội vừa đề xuất với Chính phủ hàng loạt biện pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm về hạ tầng đô thị, giao thông, chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng long - Hà Nội.
Nhiều công trình trọng điểm đang được gấp rút thi công. |
Triển khai 114 dự án lớn
Báo cáo tình hình thực hiện các dự án đầu tư lớn của thành phố Hà Nội vừa gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết, tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn thành phố năm 2010 theo kế hoạch dự kiến sẽ huy động trên 170 nghìn tỷ đồng.
Vốn đầu tư từ ngân sách thành phố đã giao từ đầu năm là 15.700 tỷ đồng (bao gồm cả vốn đầu tư phát triển cho các chương trình mục tiêu) với 352 dự án trong giai đoạn thực hiện và 206 dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư do cấp thành phố trực tiếp quản lý.
Vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách được phân bổ tập trung cho thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Trong đó triển khai 114 dự án lớn gồm: 62 dự án chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 7 dự án nhóm A có sử dụng vốn ngân sách thành phố và 35 dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Trong đó, nhóm 65 dự án thuộc danh mục công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đã được bố trí kế hoạch vốn gần 2.900 tỷ đồng, bằng 43% tổng kế hoạch vốn xây dựng cơ bản của cấp ngân sách thành phố.
Trong 34 công trình chào mừng ngày Đại lễ phải hoàn thành đã có 8 công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, 18 công trình sẽ hoàn thành trước đại lễ, 7 công trình sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2010, có 1 công trình không có khả năng hoàn thành do vướng mắc giải phóng mặt bằng (đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài). Thành phố đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa công trình này ra ngoài danh mục công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Đề xuất vay nước ngoài hàng tỷ USD
UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất với Chính phủ hàng loạt giải pháp gỡ vướng, giúp đẩy nhanh tiến độ cho các dự án đô thị trọng điểm. Trong đó có đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho thành phố quyết định đầu tư một số dự án theo nhiều hình thức nhằm khai thác và huy động các nguồn vốn, đẩy mạnh tiến độ đầu tư tầng kỹ thuật đô thị, giải quyết các nhu cầu bức xúc dân sinh trên địa bàn.
Cụ thể, cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đàm phán hợp đồng dự án BT đối với các dự án: xây dựng các tuyến đường kết nối các khu dân cư, khu đô thị quận Hà Đông (tổng vốn đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng); tuyến đường nối từ đường Phạm Văn Đồng đến đường 69 (tổng vốn đầu tư khoảng 220 tỷ đồng).
Cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đàm phán hợp đồng BT dự án: xây dựng tuyến đường 70 theo quy hoạch đoạn Hà Đông - Văn Điển (tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng) và đoạn từ đường Láng - Hoà Lạc đến Nhổn (tổng vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng); nâng cấp, mở rộng quốc lộ 6 đoạn trên địa bàn thành phố đã được Bộ Giao thông Vận tải bàn giao cho thành phố quản lý (tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng).
Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng ưu tiên cho thành phố được thực hiện thí điểm một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật lớn bằng hình thức PPP (hợp tác công tư), BOT, BT. Trước mắt cho các dự án: xây dựng tuyến đường vành đai 4, các đoạn còn lại trên địa bàn thành phố Hà Nội (đoạn từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 đã được chấp thuận chủ trương và cho phép chỉ định nhà đầu tư); xây dựng một số tuyến đường bộ trên cao (theo các tuyến đường: ngã tư Sở - ngã tư Vọng, ngã tư Vọng - Minh Khai - cầu Vĩnh Tuy, ngã tư Sở - Cầu Giấy, Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương, Mương La Pho - Cống Đõ (đường Bưởi); cải tạo sông Tô Lịch.
Đáng chú ý, nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án, ngoài nguồn vốn ngân sách tập trung, trái phiếu xây dựng Thủ đô, vay ODA qua Chính phủ, Hà Nội đề nghị Thủ tướng cho phép thành phố được vay vốn của các tổ chức tài chính nước ngoài, hợp tác đầu tư theo hình thức PPP (cả trong nước và nước ngoài) để thực hiện các dự án lớn về hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi, xử lý môi trường như: dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình (800 triệu USD); dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai (900 triệu USD); dự án nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn tại Yên Xá-Thanh Trì (200 triệu USD); dự án tiêu nước, cải tạo làm sống lại các con sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch; dự án tu bổ đê kè sông Hồng, sông Đà.
Ưu tiên bố trí đủ vốn ngân sách đầu tư cho một số công trình có quy mô đầu tư lớn, nhu cầu cấp bách như: đường Mai dịch-Nội Bài (giai đoạn 2 mở rộng đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long với kinh phí khoảng 2.742 tỷ đồng); đường vành đai 2 đoạn Trường Chinh - Đại La - Minh Khai; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.
Hiện nay do nhu cầu ở của công nhân tại các khu công nghiệp tập trung rất lớn, trong khi đó, ngân sách thành phố còn hạn hẹp, Hà Nội cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ cho vay vốn đầu tư (khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng) không lãi để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này.
Yếu quy hoạch, "vướng" năng lực
Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, những vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư lớn trên địa bàn thành phố có những nguyên nhân khách quan như quy hoạch chung xây dựng thành phố, quy hoạch chuyên ngành đang trong quá trình xây dựng, rà soát, điều chỉnh.
Đặc biệt, khu vực phía Tây Hà Nội hầu như chưa có quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/5.000, 1/2.000 để làm cơ sở cho việc lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng). Một số quy định liên quan đến đầu tư xây dựng từ vốn ngân sách còn chưa phù hợp với thực tiễn dẫn đến những khó khăn vướng mắc trong triển khai.
Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do chính sách thay đổi nhiều, khiếu kiện phức tạp nên một số dự án đầu tư thực hiện kéo dài quá thời gian quy định. Hà Nội mới được mở rộng và đang trong quá trình đô thị hóa mạnh, nhu cầu đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội rất lớn trong khi nguồn vốn ngân sách cho đầu tư phát triển còn hạn hẹp.
Hà Nội cũng thừa nhận những nguyên nhân trực tiếp từ phía địa phương như thiếu tập trung kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện ở một số lĩnh vực, ngành, cấp. Năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa thực sự phát huy tốt dân chủ ở cơ sở.
Bên cạnh đó, khả năng vận dụng cơ chế, chính sách trong giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Công tác đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu để thực hiện dự án cũng làm chưa tốt, dẫn đến một số chủ đầu tư, nhà thầu được lựa chọn không đủ năng lực triển khai dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy