Xu thế đô thị hoá hiện nay về cơ bản là tự phát, việc kiểm soát các chỉ tiêu chỉ dừng lại ở những con số trong đồ án. Xu thế này đang biến đất nông thành đất cư với sự bỏ mặc việc thoả thuận mua bán giữa những bên có nhu cầu.
Hình ảnh các dự án xây dựng lộ diện là dáng khối của mảnh ruộng xưa, các toà nhà xoay xở theo hình dạng khu đất được giới hạn bởi ranh quyền sử dụng đất. Nhiều dự án thường không có sơ đồ quy hoạch cụ thể, kết quả là hệ thống hạ tầng kỹ thuật được xây mới không đồng bộ. Chúng còn vô tình tạo ra một số tiêu cực đến các khu vực đất nông nghiệp, sinh thái, dự trữ xung quanh, đặc biệt là hạ tầng bên ngoài đô thị và các khu dân cư nông thôn kế cận.
Quy trình lập và phê duyệt quy hoạch một dự án tỏ ra rất chặt chẽ, thậm chí đến mức cứng nhắc: phải thông qua quy hoạch vùng, quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Trong khi đó, nhu cầu lập các dự án đô thị mới lại đa dạng và đầy biến động, các chủ đầu tư không thể chờ đợi các quy hoạch trên ra đời đầy đủ mới tiến hành.
Một trong những mục tiêu để đổi mới phương pháp luận trong quy hoạch xây dựng là áp dụng các phương pháp mới có xét đến bối cảnh kinh tế, xã hội, luật định và tri thức. Cơ bản việc lập quy hoạch xây dựng hiện nay vẫn theo phương pháp truyền thống và sử dụng ngân sách, rất khó khả thi. Vì vậy nên bắt đầu có những tư duy mới khi lập quy hoạch xây dựng, đặc biệt là việc kêu gọi đầu tư và tập trung xây dựng mạng lưới hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch để áp dụng cho từng khu vực trước khi xây dựng phát triển đô thị. Đây là giải pháp duy nhất để có được giá trị cần thiết khi xây dựng phát triển các khu đô thị mới. “Đường thông thì tài thông” – câu nói nổi tiếng của chính trị gia Đặng Tiểu Bình ngẫm mà thấy đúng khi Trung Quốc thực hiện thành công việc xây dựng các khu đô thị tầm cỡ ngày nay.
Với mong muốn duy trì một hệ thống đô thị cân bằng thông qua việc phát triển đô thị mới, việc cải tạo, mở rộng và phát triển các khu đô thị mới là tất yếu nhưng đòi hỏi phải có các biện pháp căn cơ và tổ chức quản lý tốt. Hiện nay, việc phân cấp quản lý đang dần được áp dụng, vì vậy càng đòi hỏi năng lực của các cấp chính quyền, đội ngũ cán bộ chuyên trách ở cơ sở phải thực sự chuyên sâu, để các sản phẩm của công tác quy hoạch có chất lượng tốt, mang tính khả thi cao.
Trong thời gian qua, số lượng các khu đô thị mới đã hình thành khá nhiều. Tuy nhiên, cần có những khu đô thị chuẩn mực để làm mẫu cho sự phát triển của các khu đô thị mới khác. Việc lấy khu Phú Mỹ Hưng tại TP.HCM và Ciputra tại Hà Nội làm khu đô thị kiểu mẫu là tín hiệu đáng mừng để kiểm chứng cho việc lập quy hoạch, thực hiện xây dựng và quản lý các khu đô thị mới nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị