Mua bán suất tái định cư: Lấn cấn được, không?

Cập nhật 30/12/2009 09:10

Nghiên cứu dự thảo về chấn chỉnh, xử lý việc sang nhượng, mua bán suất tái định cư (TĐC) trên địa bàn TP.HCM theo hướng đề xuất cho bán suất TĐC, nhiều ý kiến cho rằng các điều kiện được mua bán suất TĐC trong dự thảo chưa phù hợp với thực tiễn, thậm chí phạm luật. Thế nhưng mới đây, trong dự thảo lần 3 gửi Sở Tư pháp thẩm định và hoàn chỉnh để trình UBND TP.HCM, Sở Xây dựng vẫn bảo lưu quan điểm không nên cho bán suất TĐC một cách tự do.

Nhiều người sống tại chung cư TĐC Bình Trưng Đông (quận 2) do mua lại suất của người được TĐC. Ảnh: H.N.


Chỉ người dân thành phố được mua lại suất TĐC


Trong dự thảo mới nhất, để được bán suất TĐC, ngoài một số điều kiện cụ thể, còn có thêm điều kiện không có tranh chấp, khiếu nại hoặc có khiếu nại nhưng đã được giải quyết xong. Người bán suất TĐC còn phải cam kết không hưởng chính sách tạm cư, chứng minh là đã có nơi ở mới (giấy chủ quyền nhà, đất, bản sao hộ khẩu) hoặc cam kết cắt chuyển hộ khẩu đến nơi ở mới...

Bên nhận mua suất TĐC cũng phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể. Theo đó, tất cả cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu về nhà ở hoặc doanh nghiệp có nhu cầu phục vụ TĐC cho các dự án của đơn vị đều được mua suất TĐC. Tuy nhiên, ưu tiên cho UBND quận - huyện, cơ quan quản lý nhà với giá mua được xác định là giá thị trường trong điều kiện bình thường.

Trường hợp UBND quận huyện, đơn vị quản lý nhà không có nhu cầu mua lại suất TĐC thì người dân được bán cho các trường hợp khác. Nếu bên mua suất TĐC là cá nhân thì phải có hộ khẩu thường trú tại TPHCM, có cam kết không sở hữu căn nhà nào khác tại thời điểm chuyển nhượng. Ngoài ra còn phải trả tiền một lần và không được hưởng chính sách trả chậm như người được hưởng suất TĐC.

Trong tờ trình mới nhất, Sở Xây dựng nêu rõ Luật Đất đai và Luật Nhà ở không có quy định việc chuyển nhượng suất TĐC vì nhà ở, đất ở chưa xác lập quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất thì không đủ điều kiện để tham gia giao dịch.

Trong khi đó, ý kiến của Sở Tư pháp và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố thì cho rằng suất TĐC có thể xem là quyền tài sản, bởi theo Bộ luật Dân sự: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ”. Như vậy, khi hộ TĐC không sử dụng thì có quyền được sang nhượng nhưng nên quy định việc chuyển nhượng suất TĐC phải có điều kiện.

Suất TĐC là quyền tài sản không phải quyền sở hữu

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố cho rằng, nếu thống nhất quan điểm suất TĐC là quyền tài sản hợp pháp của công dân thì không thể hạn chế quyền chọn đối tác để chuyển nhượng, cũng không thể yêu cầu hộ TĐC chứng minh đã có chỗ ở khác vì việc tự định đoạt tài sản là 1 trong 3 quyền của quyền sở hữu.

Theo ý kiến của Công an TP và UBND huyện Bình Chánh thì không nên quy định điều kiện người mua lại suất TĐC phải có hộ khẩu thành phố vì như thế sẽ vi phạm quyền của công dân và chưa phù hợp với Luật Cư trú.

Đồng tình ý kiến trên, UBND quận 1, quận 2 cũng cho rằng các quy định về điều kiện chuyển nhượng suất TĐC theo dự thảo không phù hợp với thực tiễn và chưa phù hợp với Luật Nhà ở vì quyền sở hữu nhà ở của công dân không bị giới hạn bởi nơi cư trú nên không cần quy định điều kiện đối với bên mua suất TĐC mà chỉ cần đối tượng này đáp ứng được các điều kiện để tham gia giao dịch theo Luật Dân sự là đủ.
 

Nhiều suất tái định cư đã được sang nhượng khi dự án chưa hoàn thành. Trong ảnh: Một khu chung cư khang trang phục vụ tái định cư tại quận 2. Ảnh: Cao Thăng


Lập luận cho việc vẫn đưa vào dự thảo mới nhất các quy định trên, Sở Xây dựng cho rằng, căn hộ hoặc nền đất TĐC là tài sản của Nhà nước, không phải tài sản của các hộ TĐC nên Nhà nước có quyền định đoạt tài sản của mình, cho phép chuyển nhượng suất TĐC nhưng phải có điều kiện để quản lý tài sản.

Người dân nếu muốn có quyền sở hữu nhiều tài sản thì mua bán, chuyển nhượng nhà đất thương mại ngoài thị trường. Đối với yêu cầu bên mua lại suất TĐC phải có hộ khẩu thành phố, theo Sở Xây dựng, yêu cầu như vậy là nhằm giải quyết cho các đối tượng có nhu cầu thực sự về nhà ở trên địa bàn thành phố. Các đối tượng khác không có hộ khẩu tại thành phố nếu có nhu cầu thì có thể mua các loại nhà ở thương mại bên ngoài.

Cũng theo Sở Xây dựng, chỉ khi hộ TĐC được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất thì lúc đó mới thuộc quyền sở hữu của các hộ dân TĐC.

Ngoài ra, nếu cho chuyển nhượng suất TĐC tự do sẽ phát sinh tình trạng chuyển nhượng lòng vòng, đầu cơ…

Một chuyên gia cho rằng đáng ra Nhà nước hoặc các chủ đầu tư phải chuẩn bị đủ quỹ nhà cho người dân để bố trí TĐC. Thậm chí phải chuẩn bị luôn chủ quyền nhà đất để khi bố trí cho người dân thì trao luôn giấy chủ quyền để người dân tự định đoạt tài sản của mình. Trong khi đó, thực tế hiện nay Nhà nước chưa có đủ quỹ nhà, người dân bị thu hồi đất chỉ được nhận suất TĐC rồi bảo chờ thì khi có nhu cầu họ phải bán để lấy tiền làm nhiều việc khác.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng