Mua bán, cho thuê nhà ở thương mại: Khi nào được “huy động vốn”?

Cập nhật 12/12/2007 09:00

Mới đây, Cục quản lý nhà - Bộ Xây dựng đã có văn bản làm rõ một số nội dung liên quan đến Luật Nhà ở. Đây là nội dung được nhiều doanh nghiệp và người mua (thuê) nhà đặc biệt quan tâm.

Theo quy định tại Khoản1, Điều 39 Luật Nhà ở “ Phương thức mua bán, cho thuê nhà ở thương mại được thực hiện thông qua hình thức trả tiền một lần hoặc trả chậm, trả dần. Trường hợp chủ đầu tư huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở thì chỉ được áp dụng trong trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã được xây dựng xong phần móng. Tổng số tiền huy động trước khi bàn giao nhà ở cho người có nhu cầu không được vượt quá 70% giá trị nhà ở ghi trong hợp đồng”.

Theo công văn của Cục quản lý nhà, cụm từ “huy động vốn” theo quy định tại điều này là khoản tiền mà khách hàng (người mua hoặc thuê nhà) nộp cho chủ đầu tư trước khi căn nhà (căn hộ ) đó được xây dựng xong theo hợp đồng mua bán, cho thuê nhà ở giữa chủ đầu tư và khách hàng.
 
Khoản tiền ứng trước nêu trên do hai bên thoả thuận và phải được ghi rõ trong hợp đồng. Hợp đồng mua bán cho thuê nhà ở chỉ được ký kết khi đã xây dựng xong phần móng của công trình. Khái niệm “xây dựng xong phần móng của công trình” quy định tại điều này được hiểu như sau, “phần móng” của công trình là bộ phận được cấu tạo ở phần thấp nhất của công trình nằm ngầm dưới mặt đất.

Thông qua móng, toàn bộ tải trọng của công trình được truyền đều xuống đất nền chịu tải. “Xây dựng xong phần móng” là giai đoạn đã thi công xong phần đài giằng móng (bao gồm cả phần xử lý nền nếu có ) tới cao độ mặt bằng thấp nhất của công trình và được nghiệm thu kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Theo HaNoiNet