Chính phủ vừa ban hành Nghị định 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch. Đây là văn bản vô cùng quan trọng, mở lối cho một cuộc “cách mạng về quy hoạch” ở Việt Nam.
Ngày 7/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.
Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 là khung pháp lý quan trọng để thực hiện cuộc cách mạng quy hoạch ở Việt Nam. Tuy nhiên, do chưa có nghị định hướng dẫn, nên chưa thể triển khai sớm các phần việc quan trọng theo quy định của luật này. Các bộ, ngành, địa phương cũng chưa thể lập quy hoạch mới cho giai đoạn 2021 - 2030.
Có không ít thông tin được nhắc tới trong thời gian gần đây. Đó là có tới 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể. Các quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 2016 - 2020 của một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre… cũng chưa thể ban hành do chưa có hướng dẫn chi tiết. Thậm chí, việc có tới mấy trăm dự án dang dở vì quy hoạch cũng đã được nhấn mạnh.
Nguyên nhân của tình trạng này không hẳn do chưa có hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, nhưng dù vậy, tất cả đã được tháo gỡ khi Chính phủ ban hành Nghị định 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch. Nghị định này ngay lập tức có hiệu lực thi hành, bắt đầu từ ngày 7/5/2019, với hàng loạt hướng dẫn liên quan đến các nhiệm vụ lập quy hoạch, tổ chức tư vấn lập quy hoạch, các nội dung về quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh…
Có hướng dẫn, sẽ không còn chỗ cho việc “viện cớ” để chậm trễ trong xây dựng quy hoạch. Có hướng dẫn, đường cũng đã mở, nên cần sự bắt tay hợp tác và sự nỗ lực cố gắng của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Nếu không, sẽ không kịp cho kỳ quy hoạch 2021-2030, sẽ lỡ cơ hội phát triển của đất nước.
Cũng cần nhắc lại rằng, quá trình xây dựng và thông qua Luật Quy hoạch đã gặp không ít tiếng nói ngược chiều, bởi vẫn còn những cơ quan quản lý muốn khư khư ôm tư duy quản lý kiểu cũ, không muốn mất đi những lợi ích cục bộ của ngành mình, lĩnh vực mình… Dù Luật đã được thông qua, nhưng ở đây đó tư duy ấy vẫn tồn tại.
Bởi thế, kể cả khi đã có Nghị định hướng dẫn, thì hành trình triển khai sẽ còn cam go, thử thách, để ít nhất và trước mắt, tất cả các bộ, ngành, các cơ quan quản lý, các chuyên gia… cùng ngồi lại xây dựng một quy hoạch tổng thể quốc gia cũng như hàng loạt quy hoạch khác theo phương pháp tích hợp.
Làm sao để Luật Quy hoạch được thực thi một cách đúng luật và khả thi, hiệu quả? Điều này không chỉ phụ thuộc vào một nghị định hướng dẫn thi hành Luật, mà còn phụ thuộc vào các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch, cho đến nay, cũng chưa thể ban hành. Và quan trọng hơn, chính là sự thay đổi tư duy, là sự sẵn sàng đổi mới, là cam kết hợp tác và hành động của cả bộ máy chính trị.
DiaOcOnline.vn – Theo Báo đầu tư