'Mở' cửa ngõ phía đông TP.HCM

Cập nhật 10/11/2019 08:30

Nút giao thông Đại học Quốc gia TP.HCM vừa hoàn thiện, cùng một loạt các công trình trọng điểm đang rục rịch triển khai được kỳ vọng sẽ “mở” cửa ngõ phía đông, khơi thông giao thương giữa TP.HCM với các tỉnh.

Hầm hở nút giao thông Đại học Quốc gia TP.HCM được xây dựng 8 làn xe - H.Mai

Tuyến quốc lộ có lộ giới rộng nhất nước

9 giờ sáng hôm qua (8.11), hầm chui trên QL1 đoạn qua trước khu du lịch văn hóa Suối Tiên (Q.9) - nút giao thông Đại học Quốc gia (thuộc dự án mở rộng xa lộ Hà Nội) chính thức được thông xe sau hơn 3 năm rưỡi thi công.

Đoạn đường hơn 1,8 km (bắt đầu từ cổng khu du lịch Suối Tiên đến khu vực cây xăng Bình Thắng, nằm trên địa bàn Q.9, Q.Thủ Đức và TX.Dĩ An (Bình Dương) rải nhựa mới tinh, 8 làn xe rộng thênh thang. Tầng dưới hầm hở, xe con, xe tải, xe container chạy “vèo vèo”. Trong khi phía tầng trên, từ hai bên đường song hành, xe máy cùng nhiều xe 4 chỗ sang đường thoải mái qua cầu quay đầu, hình thành dòng lưu thông nhịp nhàng, thông thoáng.

Với 8 làn xe chính, chưa kể 6 làn đường song hành hai bên, đây là một trong những tuyến QL có lộ giới rộng nhất nước, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại cũng như trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh miền Đông, TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Trước khi “lột xác” như thế này, khu vực từ khu du lịch Suối Tiên đến đường rẽ vào Đại học Quốc gia TP.HCM là một trong những điểm đen giao thông của TP.HCM. Chỉ có 6 làn xe gánh một lượng lớn phương tiện, đoạn đường này triền miên ùn tắc. Phương tiện di chuyển chủ yếu là container, xe tải nặng, “gặp” các loại xe khác tại nhiều nút giao đồng mức nên tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, đoạn giao cắt từ xa lộ Hà Nội quay đầu sang ngã ba đoạn rẽ vào Đại học Quốc gia trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều bạn sinh viên. Năm 2017, sau khi 2 cầu quay đầu hoàn thành trước, lưu thông qua khu vực này đã bớt nguy hiểm hơn nhiều, nhưng ùn tắc vẫn chưa thuyên giảm.

Ông Dương Quang Châu, Giám đốc đầu tư Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) - chủ đầu tư dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, khẳng định sau khi hoàn thành tất cả các hạng mục, diện tích đường sẽ được mở rộng gấp 4 lần, cùng với 2 cầu quay đầu giúp các phương tiện giao cắt khác mức, chắc chắn sẽ giải tỏa rất tốt ùn tắc giao thông tại nút giao này.

PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường đại học GTVT TP.HCM, đánh giá nút giao thông Đại học Quốc gia đưa vào hoạt động sẽ có tác động rất tích cực đến giao thông khu vực cửa ngõ thành phố. Không chỉ giải tỏa ùn tắc, cải thiện mỹ quan đô thị, mà còn góp phần giảm tải cho tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Theo đó, thay vì chen nhau vào đường cao tốc đang ngày càng quá tải, đặc biệt vào các dịp lễ, ngày cuối tuần, người dân có thể chuyển hướng qua xa lộ Hà Nội chạy thẳng tới QL51 để đến Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng...

“Về mặt giao thương, nhu cầu vận chuyển giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm ngày càng tăng cao, dẫn đến ùn tắc. Ách tắc là nguyên nhân chính khiến chi phí vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM đi các tỉnh cao hơn so với các nước khác. Điều này dẫn đến hàng hóa xuất khẩu khó cạnh tranh, ảnh hưởng lớn đến kinh tế TP cũng như phát triển kinh tế toàn vùng. Theo quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, xa lộ Hà Nội là trục giao thông huyết mạch ở cửa ngõ phía đông bắc của thành phố, nối liền TP.HCM với các tỉnh Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc. Nút giao Đại học Quốc gia nói riêng cũng như toàn xa lộ Hà Nội nói chung được mở rộng đúng theo quy hoạch sẽ tạo đà phát triển rất tốt cho kinh tế, xã hội TP.HCM và toàn vùng trọng điểm phía nam”, ông Hoàng khẳng định.

Đồng bộ nhiều dự án

Nút giao thông Đại học Quốc gia hoàn thành, tình trạng ùn tắc khu vực này thật sự cải thiện rất nhiều. Thế nhưng trên đường về trung tâm TP, không ít lần chúng tôi vẫn bắt gặp hình ảnh container xếp hàng dài trên đường, đặc biệt đoạn vào Khu công nghệ cao và gần cầu Rạch Chiếc (Q.9).

Người dân thường xuyên di chuyển qua đây cho biết đoạn đường dài khoảng gần 1 km thường xuyên ùn ứ và tắc luôn vào giờ cao điểm. Không những phải leo lên lề, có người đi xe máy phải chui dưới dạ cầu để thoát. Ùn tắc lan vào cả các tuyến đường lân cận, kéo dài từ ngã tư MK đến đại lộ Mai Chí Thọ. Đáng chú ý, những đoạn đường này cũng nằm trong dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, được khởi công từ 2.4.2010 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

Đại diện chủ đầu tư cho biết hiện khối lượng toàn công trình đã đạt được 75%. Phần đường chính xa lộ Hà Nội từ cầu Sài Gòn đến Đại học Quốc gia đã hoàn thiện và đưa vào khai thác, chỉ còn đường song hành chưa hoàn thành. Khó khăn lớn nhất là do vướng giải phóng mặt bằng và chồng chéo với một số dự án khác, đang chờ chỉ đạo của lãnh đạo TP để tháo gỡ. Cũng do kéo dài, chi phí bồi thường giải tỏa dự án qua địa bàn tỉnh Bình Dương đã tăng lên 2.780 tỉ đồng, gần gấp đôi so với quyết định năm 2016 của UBND TP.HCM về điều chỉnh bổ sung cho công tác đền bù giải tỏa mặt bằng trên địa bàn tỉnh này.

PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng lo ngại nếu không nhanh chóng hoàn thiện dự án, nguy cơ sẽ biến những đoạn chưa được mở rộng thành nút cổ chai, ùn tắc nghiêm trọng. Chưa kể việc “ngâm” các dự án quá lâu trên giấy còn khiến chi phí giải phóng mặt bằng đội lên rất nhiều.

Trước lo ngại của ông Hoàng, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM thông tin dự kiến, cuối năm nay, nhiều dự án mở rộng đường giải tỏa áp lực giao thông tại các cửa ngõ TP.HCM sẽ chính thức khởi công.

Trong đó có dự án “Xây cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới” trên xa lộ Hà Nội với mục tiêu đảm bảo kết nối giao thông khi Bến xe Miền Đông mới đi vào hoạt động. Dự án có tổng mức đầu tư 437,1 tỉ đồng, bao gồm xây cầu vượt số 3 (vượt tuyến chính QL1) gồm 3 làn xe (sát bên cầu vượt số 2 của nút giao Đại học Quốc qia) để tổ chức cho các dòng xe từ hướng Đồng Nai vào Bến xe Miền Đông; Xây cầu vượt số 4 (vượt tuyến chính QL1) gồm 3 làn xe để tổ chức cho các dòng xe từ Bến xe miền Đông mới rẽ trái quay đầu về hướng trung tâm TP.HCM và về Bình Dương. Ngoài ra, xây dựng 2 đường chui, 1 đường trên phần đường song hành phải QL1 rộng 8 m, dài 670 m cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng Đồng Nai và 1 đường trên phần đường song hành trái QL1 rộng 8 m, dài 350 m cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng TP.HCM.

Việc khơi thông, “mở” cửa ngõ TP không chỉ đơn thuần mở thêm đường, xây thêm cầu mà phải tính toán để đồng bộ nhiều dự án. Đơn cử, sắp tới, khi Bến xe Miền Đông mới đưa vào hoạt động, một lượng lớn xe cộ sẽ thường xuyên di chuyển qua đây. Khu vực này chỉ cách đoạn nút giao Đại học Quốc gia khoảng 1 km. Trong bối cảnh hệ thống đường vành đai chưa biết bao giờ mới khép kín, nếu không có những công trình phụ trợ, quy hoạch trên toàn bộ bức tranh cụ thể thì những nút giao hay công trình mở rộng đường mới sẽ lại nhanh chóng ùn tắc trở lại.

PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng
 

DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên