Mẫu nhà dự án: Điều chỉnh riêng lẻ hay từng cụm nhà?

Cập nhật 30/09/2010 07:40

Cần hướng dẫn rõ chủ đầu tư được phép thay đổi kiến trúc tới mức nào.

“Quận đang có ba dự án chủ đầu tư xin điều chỉnh mẫu nhà. Chúng tôi sẽ nghiên cứu và áp dụng luôn các quy định mà Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) TP vừa ban hành” - Trưởng Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận 12 Lê Tấn Tài nói về Văn bản số 2542 hướng dẫn cho phép điều chỉnh mẫu nhà (Pháp Luật TP.HCM ngày 25-9).


Chủ đầu tư riêng lẻ trong dự án như thế này sẽ được thông thoáng hơn khi được phép điều chỉnh mẫu nhà đã duyệt. Ảnh: HTD

Tạo thuận lợi hơn cho người dân

Họ đã nói Văn bản hướng dẫn được áp dụng cho các đối tượng chung là dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt, dự án phân lô bán nền trước Nghị định 181/2004. Do đó, các dự án của khu đô thị Phú Mỹ Hưng cũng có thể được xem xét áp dụng nếu thỏa điều kiện. Còn Ban Quản lý Khu Nam hay quận, huyện thì cũng đều là cơ quan được phân cấp để phê duyệt, quản lý quy hoạch chi tiết và cấp phép xây dựng.

Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở QHKT TP
Theo ông Tài, quận 12 có một số trường hợp dự án nhà ở đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, đã ban hành mẫu nhà nhưng chủ đầu tư hoặc người mua có nguyện vọng được thay đổi. Chẳng hạn trong một dự án biệt thự, nhà mẫu chỉ có một trệt, một lầu, không có tầng hầm nhưng nhiều người lại muốn được xây cao hơn để chừa nhiều đất làm sân, hoặc muốn làm hầm để xe hơi.

Ông Tài nhận xét: văn bản hướng dẫn điều chỉnh mẫu nhà đã duyệt của Sở QHKT khá thoáng, tạo nhiều thuận lợi hơn cho người dân. Cụ thể, phần tầng lửng, tầng hầm, phòng áp mái xem như được cho thêm thay vì trước đây tầng lửng cũng xem như là một tầng. Hoặc một số dự án ở quận, biệt thự chỉ được cho phép có mật độ xây dựng 35% thì nay có thể được tăng lên không quá 50% (biệt thự đơn lập) hoặc 55% (biệt thự song lập).

Tuy nhiên, văn bản của Sở chưa đề cập đến việc thay đổi số tầng của công trình trong khi trên thực tế đa số dự án nhà ở trước đây thường thấp tầng, người mua luôn có nhu cầu được xây nhiều tầng hơn.

Về điều này, Giám đốc Sở QHKT Trần Chí Dũng giải thích: Sở chỉ hướng dẫn về những trường hợp điều chỉnh mẫu nhà nhưng không làm ảnh hưởng nhiều đến các chỉ tiêu quy hoạch. Còn nhà dự án muốn xin thêm tầng thì phải làm đúng trình tự thủ tục, chủ đầu tư xin duyệt lại quy hoạch 1/500 tại quận, huyện để nơi này quyết định.

Coi chừng nhà dự án mỗi căn một kiểu


Trong Văn bản 2542, Sở QHKT cho phép công trình xây trên đất nền dự án được thay đổi phong cách kiến trúc so với nhà mẫu nhưng không làm thay đổi loại hình công trình (ví dụ nhà biệt thự thành nhà phố - PV). Văn bản của Sở QHKT áp dụng để điều chỉnh các dự án nhà ở đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 mà chủ đầu tư được bán nền để người mua tự xây dựng. Chiếu theo đó, các trường hợp đã mua nền ở khu A của Phú Mỹ Hưng cũng là đối tượng được điều chỉnh.

Còn nhớ, trong báo cáo của Công ty Phú Mỹ Hưng mới đây về tình hình vi phạm xây dựng tại khu A, có 794 trường hợp (trên tổng số gần 800 trường hợp vi phạm) xây sai kiến trúc mặt đứng so với nhà mẫu đã được duyệt trong quy hoạch chi tiết 1/500. Tuy nhiên, trong văn bản của Sở QHKT không thấy đề gửi cho Ban Quản lý khu Nam, cũng như không nói đến các dự án nhà ở trong khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng. Văn bản cũng ghi rõ trách nhiệm cho phép điều chỉnh nhà mẫu thuộc về chủ tịch UBND quận, huyện. Do đó chưa rõ khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng (đang vướng rất nhiều các trường hợp xây theo nhà mẫu) có được áp dụng quy định mới không. Mặc dù quan điểm của lãnh đạo Sở QHKT là áp dụng chung cho các dự án, tuy nhiên nếu không được nói rõ trong văn bản thì rất dễ gặp phải tâm lý e ngại khi triển khai thực hiện.

Về trình tự thủ tục, theo văn bản thì đối tượng đi điều chỉnh nhà mẫu là chủ đầu tư riêng lẻ có nhu cầu, nộp hồ sơ tại UBND quận, huyện. Điều này có thể hiểu là không phải chỉ có chủ đầu tư dự án mới được xin phép điều chỉnh cho toàn khu, toàn cụm nhà mà từng người mua nền xây nhà cũng được quyền thực hiện. Quy định này đã gây không ít băn khoăn. Lãnh đạo Phòng QLĐT quận 12 cho rằng chỉ nên để chủ đầu tư của dự án xin điều chỉnh nhà mẫu từng cụm chứ không giải quyết riêng lẻ. “Nếu giải quyết cho từng căn thì liệu có làm phá vỡ cảnh quan chung? Thậm chí có khi chủ đầu tư dự án sẽ khiếu nại vì ảnh hưởng đến dự án của họ” - ông băn khoăn.

Cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng Sở QHKT cần hướng dẫn kỹ hơn về quy định cho thay đổi phong cách kiến trúc so với nhà mẫu. “Nếu tuyệt đối buộc chủ nhà phải xây theo nhà mẫu khiến chủ nhà bị bó tay bó chân thì không hay. Nhưng nếu để nhà dự án mà mỗi căn một kiểu thì e rằng cũng không ổn vì sẽ dẫn đến lộn xộn…” - trưởng phòng QLĐT một quận bày tỏ.

Khổ vì thiết kế xây dựng lạc hậu

Khu dân cư phường Trường Thọ, quận Thủ Đức (TP.HCM) được cấp phép xây dựng từ năm 1997. Do được phê duyệt đã lâu nên thiết kế xây dựng của khu dân cư đã lạc hậu, gây khó khăn cho người dân. Theo giấy phép xây dựng năm 1997, mỗi hộ dân chỉ được xây nhà một trệt, một lầu và lợp mái tôn. Điều này khiến người dân phản ứng vì nhu cầu về diện tích ở của họ cao hơn thế. Hơn nữa, mái tôn vừa nóng vừa không bền, họ phải thường xuyên tốn tiền sửa chữa. Thời gian qua, nhiều người đã chấp nhận bị phạt để đổ mái bằng hoặc xây cao lên.

Một người dân lô M nêu ý kiến: “Khu vực này khá khuất, không ảnh hưởng đến đường bay hoặc che khuất các công trình văn hóa, lịch sử. Hơn nữa, sát bên còn có nhiều dự án nhà cao tầng, vậy đừng cứng nhắc buộc chúng tôi phải xây theo bản thiết kế đã lạc hậu”.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP