Lúng túng pháp lý, rủi ro cho condotel

Cập nhật 02/12/2019 14:15

Trao đổi ĐTTC về việc loại hình condotel bị xem là “đứa con vô thừa nhận”, đã khiến chủ đầu tư và người mua sản phẩm này đối mặt với những rủi ro khó có thể giải quyết vì thiếu khung pháp lý cụ thể, TS. VŨ ĐÌNH ÁNH cho rằng điều này xuất phát từ chính sự lúng túng của cơ quan quản lý.

Do condotel là một loại hình du lịch nên buộc phải chịu chi phối của Luật Du lịch, và hiện nay Chính phủ đang giao Bộ VH-TT-DL ban hành quy chế quản lý kinh doanh loại hình này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, sau sự cố của condotel Cocobay Đà Nẵng, nhiều chủ đầu tư và khách hàng đang rất bức xúc khi cơ quan quản lý nhà nước chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng trong đầu tư, kinh doanh, mua bán, xử lý khi xảy ra rủi ro đối với loại hình này. Quan điểm của ông thế nào?

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH:
- Thị trường condotel là kết quả của 3 thị trường quan trọng, gồm thị trường BĐS, tài chính và du lịch. Thông qua condotel, chủ đầu tư dự án BĐS có thêm lĩnh vực kinh doanh mới với những sản phẩm lai ghép giữa căn hộ và phòng khách sạn.

Điều này vừa phù hợp với sự phát triển của du lịch, đặc biệt là địa bàn ven biển, vừa phát huy kinh nghiệm đã tích lũy được sau nhiều năm về kinh doanh phát triển, quản lý căn hộ chung cư của nhiều chủ đầu tư. Đây là vấn đề có ý nghĩa trong bối cảnh một số phân khúc thị trường BĐS có dấu hiệu bão hòa và mật độ tập trung quá lớn tại các đô thị truyền thống.

Do condotel là sản phẩm lai ghép giữa căn hộ và phòng khách sạn với đặc trưng của mô hình kinh tế chia sẻ, nên nhiều quy định có liên quan thiếu rõ ràng, đặc biệt quản lý nhà nước đối với dự án condotel.

Một loạt vấn đề đặt ra như quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia gắn với quy trình giao đất, cho thuê đất, cấp quyền sử dụng đất, quyền khai thác, phân chia lợi ích, quyền cư trú. Ngay chính cơ quan quản lý dự án condotel cũng chưa được phân định rõ khi trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý BĐS hay cơ quan quản lý du lịch.

Từ đó, lúng túng trong ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thị trường condotel có thể phát triển đúng hướng, hợp pháp theo cả chiều rộng và chiều sâu, đóng góp tích cực vào sự phát triển thị trường BĐS, du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Thực trạng trên cũng cho thấy bộ máy quản lý còn chậm phản ứng với những yêu cầu mới của cuộc sống và sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với những vấn đề mới có tính liên ngành, liên lĩnh vực.

Bởi vậy, để phòng tránh rủi ro cho chủ đầu tư lẫn người mua cũng như để quản lý được hiệu quả hơn, đòi hỏi cơ quan chức năng cần phải sớm xây dựng và ban hành các quy định cụ thể để tạo khung pháp lý rõ ràng.

- Nhưng đại diện Bộ Xây dựng nói việc xây dựng khung pháp lý cho condotel rất khó khăn, vượt thẩm quyền của bộ?

Lúng túng trong ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thị trường condotel có thể phát triển đúng hướng, hợp pháp.

- Khuôn khổ pháp lý cho condotel nói riêng, cho các sản phẩm BĐS lai ghép khác nói chung cần sớm được ban hành, tránh tình trạng đùn đẩy, thậm chí né tránh như hiện nay, vì đó là đòi hỏi của cuộc sống. Với thực trạng hệ thống văn bản pháp lý và quản lý nhà nước như hiện nay, theo tôi có rất nhiều việc phải làm ngay.

Tuy nhiên, điều quan trọng và cấp bách nhất là tập trung vào trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về BĐS. Theo đó, đã đến lúc từ bỏ phương thức quản lý nhà nước về BĐS theo mục đích sử dụng như hiện nay, sang quản lý theo tính chất của BĐS.

Chẳng hạn, quản lý 1 căn nhà theo vị trí, diện tích, giá trị, chất lượng, sở hữu, thay vì quản lý theo phân biệt nhà để ở, nhà bỏ trống, nhà cho thuê, làm văn phòng, làm kho. Bởi sẽ có vô vàn mục đích sử dụng cơ quan quản lý không thể theo kịp và quản lý nổi.

- Trong thời gian chờ đợi khung pháp lý, theo ông các bên tham gia thị trường cần làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình?

- Nhà đầu tư condotel bị thu hút bởi sản phẩm BĐS này có khả năng sinh lời không chỉ trên thị trường sơ cấp, còn được trực tiếp tham gia thị trường cho thuê và cho thuê lại. Tương tự, người sử dụng sản phẩm condotel có thêm lựa chọn lưu trú cho các chuyến du lịch của mình, với giá cả hợp lý, tiện ích khác biệt so với lưu trú tại khách sạn, nhà nghỉ truyền thống.

Nói cách khác, condotel là một trong những sản phẩm tiêu biểu nhất của mô hình kinh tế chia sẻ khi tối ưu hóa sử dụng nguồn lực, thỏa mãn nhu cầu của cả chủ đầu tư, nhà đầu tư và người sử dụng.

Theo tôi, vai trò và sự tham gia của chủ đầu tư và nhà đầu tư condotel là yếu tố quan trọng hàng đầu xuyên suốt quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý cho sản phẩm này, nhằm đảm bảo về mặt thời gian cũng như chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật.

Khung pháp lý về condotel phải chỉ rõ quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà đầu tư và người sử dụng trong suốt quá trình hình thành, tồn tại, khai thác đến xóa bỏ một sản phẩm condotel.

Đồng thời, cần có cơ chế minh bạch, khả thi và hiệu quả xử lý xung đột lợi ích giữa các bên liên quan, như quyền sở hữu (chung, riêng), quyền sử dụng, quyền cho thuê, cho thuê lại và quyền thuê. Có như vậy, thị trường condotel mới có điều kiện và cơ sở để phát triển một cách bền vững, các bên liên quan đều yên tâm và mạnh dạn tham gia thị trường condotel.

- Ông nhìn nhận thế nào về triển vọng trong tương lai của loại hình condotel?

- Dù mới ra đời và phát triển trong khoảng 5 năm trở lại đây, song condotel đã trở thành phân khúc bùng nổ mạnh mẽ do đáp ứng được nhu cầu của chủ đầu tư, nhà đầu tư và người sử dụng, với hàng chục ngàn sản phẩm condotel đã và sẽ đưa vào thị trường.

Căn cứ vào triển vọng của thị trường BĐS và thị trường du lịch nước ta, tôi cho rằng sau khi khuôn khổ pháp lý phù hợp được ban hành, thị trường condotel sẽ phát triển bùng nổ vì được bổ sung thêm động lực mới, không chỉ mạnh mẽ hơn mà còn bền vững hơn.

- Xin cảm ơn ông.

DiaOcOnline.vn – Theo SGGP