Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ lùi thời hạn trình đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà để sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở một cách tổng thể, trong đó có nghiên cứu nhà ở xã hội cho cán bộ công chức, viên chức.
Nhà ở xã hội Phúc Đồng (Long Biên, Hà Nội)
Trước đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị tổng kết tình hình triển khai Luật Nhà ở năm 2014 về chế độ, chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời Bộ Xây dựng đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng nội dung và chuẩn bị hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở năm 2014 về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên, về thời hạn trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở năm 2014 về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Xây dựng xin có ý kiến cụ thể như sau:
Qua tổng hợp báo cáo tổng kết Luật Nhà ở năm 2014 về chế độ, chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan gửi về Bộ Xây dựng và qua rà soát, phân tích, đánh giá của Bộ Xây dựng về pháp luật nhà ở hiện hành cho thấy: Luật Nhà ở năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015; trên cơ sở các quy định của Luật Nhà ở, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về Phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Trong Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã có nhiều quy định về cơ chế chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội (miễn tiền đất, giảm các loại thuế, hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án, cho vay tín dụng ưu đãi lãi suất thấp để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà ở hiện có và đã có quy định trong quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp, các dự án phát triển đô thị, dự án nhà ở thương mại phải dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội,…) nhằm hỗ trợ cho 10 nhóm đối tượng chính sách xã hội cải thiện nhà ở, trong đó đã có các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và các quy định, chính sách này đang được triển khai thực hiện, đến nay mới được gần 4 năm.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức cần phải quán triệt chủ trương, thể hiện rõ nội dung, quan điểm chỉ đạo của Đảng để có sự thống nhất về nhận thức của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của xã hội, tránh tình trạng cho rằng Nhà nước có sự phân biệt, ưu đãi hơn về nhà ở cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong khi Đề án về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị (do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì) đến nay chưa được Bộ Chính trị thông qua.
Mặt khác, chính sách nhà ở, đất ở đối với cán bộ, công chức, viên chức không chỉ liên quan đến Luật Nhà ở mà còn liên quan tới các quy định của Luật Đất đai, cần phải được sửa đổi đồng bộ, thống nhất, trong khi dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai đã được Thủ tướng Chính phủ nhất trí với đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép lùi thời hạn đến sau năm 2020. Bên cạnh đó, việc xây dựng chính sách nhà ở, đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức cũng có liên quan đến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tổ chức, cán bộ (Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức), trong khi các Luật này cũng chưa được sửa đổi, bổ sung.
Từ những lý do trên, để việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức tuân thủ đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, có sự thống nhất cao về nhận thức trong cả hệ thống chính trị, được xã hội đồng tình ủng hộ, tránh tình trạng cho rằng có sự phân biệt về cơ chế, chính sách nhà ở và để thống nhất, đồng bộ với các pháp luật có liên quan (Luật Đất đai; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức sửa đổi), Bộ Xây dựng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời gian trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở đến thời điểm sau khi Bộ Chính trị thông qua Đề án nêu trên theo đúng ý kiến đã chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 10531/VPCP-PL ngày 30/10/2018 của Văn phòng Chính phủ.
DiaOcOnline.vn – Theo Tiền phong