Điều có thể thấy ngay sau khi đọc dự thảo Luật Quy hoạch đô thị là dự luật chưa nhấn mạnh trọng tâm vào các mô hình phát triển đô thị trong tương lai cũng như các kịch bản đô thị hóa tốt nhất.
Những vấn đề như: Việt Nam có nên tránh đô thị cực lớn hay không hoặc đô thị hóa đến mức nào là hợp lý... là những vấn đề quan trọng và chúng ta không còn nhiều thời gian để xem xét.
“Kim chỉ nam” quy hoạch đô
Quyết định “chấp nhận” hoặc “không chấp nhận” một số đô thị trở thành đô thị cực lớn - trên 10 triệu dân - vào lúc này của các nhà làm chính sách sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến diện mạo nước Việt Nam trong tầm 25 hoặc 50 năm nữa.
Đành rằng dự thảo luật có đề cập đến vai trò của kiến trúc sư trưởng (KTST) và Hội đồng kiến trúc quy hoạch, nhưng ngay từ đầu chúng ta phải định rõ hướng đi, như là kim chỉ nam cho cả bộ luật. Bởi vì, nếu không có kim chỉ nam đó thì không bao giờ chính sách quy hoạch và phát triển đô thị được bền vững và mạch lạc giữa các vùng, miền trên toàn quốc.
KTST và Hội đồng kiến trúc quy hoạch sẽ áp dụng những nguyên tắc mang tính kim chỉ nam như thế để xây dựng những kịch bản quy hoạch chứ không có thẩm quyền chọn lựa hướng đi.
Địa phương và trung ương
Cũng không kém phần quan trọng là thế cân đối giữa các dự án quy hoạch cho cả nước với các dự án địa phương. Tại nhiều quốc gia, đây là một vấn đề rất khó, đôi khi nhạy cảm vì liên quan đến quyền lợi của các nhóm cộng đồng. Ví dụ như dự án đường quốc lộ hoặc đường sắt Bắc - Nam chẳng hạn, nó bắt buộc phải đi qua nhiều tỉnh, dùng đất của nhiều địa phương, đôi khi còn phá hủy một vài dự án địa phương.
Thế nhưng ai cũng phải nhìn nhận sự cần thiết của hệ thống giao thông cấp quốc gia này. Vậy tập thể nào, cơ chế nào sẽ có đủ thẩm quyền xét và duyệt cho toàn bộ dự án?
Vì vậy, cần có những điều khoản trong Luật Quy hoạch đô thị quy định chi tiết về trường hợp trên, để sự phát triển đô thị không bị đứt quãng và đình trệ. Tất nhiên việc này sẽ có nhiều sự đụng chạm, nhưng làm sao khác? Vậy thì KTST có vai trò quan trọng gì không trong các tình huống như thế?
Theo dự thảo luật, cả KTST và Hội đồng kiến trúc quy hoạch đều chỉ có bổn phận tham mưu cho chính quyền thành phố. Thiết tưởng ở vai trò đó, họ dễ bị áp lực từ bên ngoài và “làm con tin” cho bên trong. Cũng vì vậy chúng ta nên, ngay trong luật, nghĩ tới việc cho họ có những công cụ hành chánh để tránh chịu những áp lực đó.
Ví dụ sự đàm thoại giữa KTST và chủ tịch UBND tỉnh (thành phố) phải theo thể thức thư viết chính thức, với bản sao cho Quốc hội và Chính phủ. Không một dự án nào được bắt đầu khởi công khi chưa có sự đồng thuận của KTST. Nếu muốn đi xa hơn nữa, chúng ta nên áp dụng thể thức chia quyền, nghĩa là KTST sẽ thuộc sự quản lý của Chính phủ, Hội đồng quy hoạch kiến trúc dưới sự quản lý của địa phương, hoặc ngược lại.
Kinh nghiệm cho thấy, trong lĩnh vực quy hoạch, đi chậm mà chắc chắn bao giờ cũng đạt được kết quả nhanh chóng hơn sự vội vã, xô bồ. Tính chuyên nghiệp, năng lực và sự công tâm của đội ngũ làm công tác quy hoạch là hết sức cần thiết.
Tại Pháp trong những lĩnh vực chỉnh trang lãnh thổ, xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, người ta thường chọn một kỹ sư tốt nghiệp trường Cầu đường (là một đại học nổi tiếng và đứng đắn bậc nhất của Pháp) làm người đứng đầu. Một sự lựa chọn tương tự như thế ở Việt Nam cũng là cần thiết.
Và để củng cố vai trò của KTST và Hội đồng kiến trúc quy hoạch, chúng ta nên cho quy định rõ vai trò, quyền hành, trách nhiệm của họ cùng những nguyên tắc quy hoạch (kim chỉ nam) mà họ phải tuân thủ.
Cần KTST cho cả nước
Một vấn đề lớn, theo tôi, mà dự thảo luật không thấy nói đến là việc không có KTST cho quốc gia! Tất nhiên nhân vật này không có nhiệm vụ chi tiết trong các dự án, tuy nhiên, Chính phủ và Quốc hội cũng cần có tham mưu, theo dõi sự mạch lạc của một chính sách, nghe những ý kiến của các KTST ở cấp địa phương, liên lạc quan hệ thường ngày với các bộ, giải thích cho các vị dân biểu về những hệ quả của dự án, thậm chí cung cấp thông tin cho báo chí... Ngoài ra, những khoản chi tiêu toàn quốc về quy hoạch cũng phải được quản lý. Như vậy, đây là một chức vụ cần thiết phải có.
Bên cạnh đó, vai trò của Quốc hội trong việc quy hoạch rất lớn, vì tính cách và hệ quả toàn dân của nhiều dự án, nhưng cũng chưa thấy dự thảo đề cập tới.
Một câu hỏi nữa cũng cần đặt ra là vai trò song song của KTST và Hội đồng kiến trúc quy hoạch sẽ như thế nào? Dự thảo chưa nói rõ hẳn quyền hạn, tuy nhiên, theo tôi, Hội đồng kiến trúc quy hoạch nên hướng về soi sáng các hệ quả trong lĩnh vực của các bộ ngành, sự hài hòa với các quyết định khác tại các bộ. Còn KTST có bổn phận đúc kết, theo dõi và kiểm soát sự chấp hành, giữ tinh thần mạch lạc cả chiều ngang lẫn chiều dọc của quy hoạch và phát triển đô thị. (Giáo sư Phan Văn Trường)
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG