Luật Đất đai 2013: "Thu hồi đất phải đảm bảo an sinh"

Cập nhật 28/12/2013 08:51

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, tính đến cuối tháng 12/2013, cả nước đã cấp được hơn 40 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 22,3 triệu ha, đạt 92,2% diện tích cần cấp và đạt 94% tổng số trường hợp sử dụng đất cần cấp giấy chứng nhận.

Theo đó, số giấy chứng nhận cần cấp trong năm nay được tăng gấp 3 lần so với kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất so với năm 2012.

Làm rõ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất

Tại buổi họp báo cuối năm diễn ra chiều nay (27/12,) Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải đáp những thắc mắc xoay quanh Luật Đất đai 2013 vừa được Quốc hội thông qua đồng thời xác định phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2014.

Giới thiệu về những điểm nổi bật nhất của Luật Đất đai 2013, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh: Luật Đất đai 2013 được thông qua vào ngày 29/11/2013, tại kỳ hợp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Luật có 14 chương với 212 điều, tăng 7 chương, 66 điều so với Luật Đất đai 2003.

Hiện Luật có 9 điểm mới so với Luật Đất đai 2003, trong đó Luật đã làm rõ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, nguyên tắc định giá đất bồi thường, hỗ trợ tái định cư…

Một trong những điểm mới nổi bật của Luật là làm rõ hơn các trường hợp thu hồi đất, tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan.

Cụ thể, Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước chỉ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với các dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và một số trường hợp được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét thông qua chủ trương thu hồi đất.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất, lập Quỹ phát triển đất, tạo quỹ đất “sạch” để đấu giá quyền sử dụng. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất đối với trường hợp khu đất thu hồi có cả tổ chức và hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất.

Đối với trình tự thu hồi đất, Luật đã quy định theo hướng tăng cường hơn nữa sự tham gia trực tiếp của nhân dân trong việc đo đạc, kiểm đếm đất đai, tài sản gắn liền với đất và xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cũng cho biết, theo Luật 2013, giá đất bồi thường không áp dụng theo bảng giá đất, mà áp dụng giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Giá đất cụ thể là giá được xác định qua đội ngũ có chuyên môn về giá đất, có hội đồng thẩm định xem xét, phê duyệt. Trường hợp chậm bồi thường, Nhà nước phải trả lãi suất cho người dân bị thu hồi. Nếu người dân không nhận bồi thường, khoản tiền đó được gửi kho bạc, người nhận bồi thường không được lấy lãi.

“Trong trường hợp tiền bồi thường không đủ để mua suất tái định cư tối thiểu thì Nhà nước sẽ hỗ trợ giúp người dân phần chênh lệch. Đối với người dân mất đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho người dân. Với những người dân bị thu hồi đất, mục tiêu an sinh phải đặt lên cao nhất,” Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh.

Lựa chọn chủ đầu tư khi  giao đất, cho thuê đất
Để giảm thiểu khiếu kiện về đất đai, Luật Đất đai 2013 cũng hướng tới việc vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường, tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lí, sử dụng đất.

Cụ thể, Luật quy định thu hẹp các trường hợp được Nhà nước giao đất, chuyển cơ bản sang áp dụng hình thức thuê đất, thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất.

Cùng với đó, các đơn vị hành chính sự nghiệp nếu tự chủ 100% kinh phí phải chuyển sang hình thức thuê đất, không được giao đất miễn phí như trước đây. Đối với các dự án nhà ở để bán, cho thuê, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, việc lựa chọn chủ đầu tư để giao đất, cho thuê đất sẽ góp phần kiểm soát chặt chẽ hơn. Theo đó, chủ đầu tư phải có năng lực tài chính (qua báo cáo tài chính và kiểm toán) để đảm bảo việc sử dụng đất theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư.

Chủ đầu tư cũng phải kí quỹ theo qui định của pháp luật về đầu tư; không vi phạm các qui định của pháp luật đất đai…

Đối với các trường hợp không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, Luật Đất đai 2013 quy định xử lý “mạnh tay” chủ đầu tư.

Luật cũng cho phép dự án chậm tiến độ hơn so với qui định hiện hành 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời hạn đó.

“Nếu hết 24 tháng mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất.

Theo đó, các dự án vi phạm sẽ được công khai trên website để tránh tình trạng chủ đầu tư vi phạm ở địa phương này lại sang địa phương khác xin giấy phép,” Thứ trưởng Hiển khẳng định.

Liên quan đến việc hàng trăm hộ dân tại thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An  đang khốn đốn vì quy hoạch treo (không thể xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà ở vì quy hoạch mở rộng quốc lộ 1A đến cả chục năm chưa triển khai), Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết: “Những nơi có qui hoạch nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm thì người dân vẫn được xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Nếu sau 3 năm, dự án vẫn chưa triển khai thì buộc phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và thông báo cho người dân”.

Ở góc độ người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh: “Luật Đất đai đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với nhiều điểm mới, góp phần hạn chế những tiêu cực về quản lý và sử dụng đất.

Theo đó, ngày 1/7/2014, Luật Đất đai 2013 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.

Do vậy, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn và gửi các địa phương lấy ý kiến từ đầu tháng 1/2014. Dự kiến, tới tháng 5/2014, các Nghị định sẽ xây dựng xong để trình Chính phủ.”./.
 
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamplus